Doanh nghiệp Hà Tĩnh kêu cứu vì giá vật liệu tăng phi mã

22:15 29/06/2022

Thực tế cho thấy, giá vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng tại Hà Tĩnh.

Sau nhiều lần tăng giá liên tiếp, giá thép các loại trên thị trường Hà Tĩnh thời điểm này dao động từ 18 - 19,2 triệu đồng/tấn. So với cuối năm 2020, giá thép hiện nay đã tăng khoảng 3,7 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi-măng… cũng đồng loạt tăng giá theo.

Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành xây dựng, chi phí thép chiếm 12 - 16% tổng chi phí xây dựng công trình. Nếu giá thép xây dựng tăng 10%, giá thành xây dựng các công trình sẽ tăng thêm 1%. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định, trọn gói (hợp đồng có giá cố định, không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng) cho nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng. Như vậy, với mức tăng như hiện nay, các công trình sẽ “đội” thêm khoảng 4% chi phí xây dựng. Điều này khiến các nhà thầu “tiến thoái lưỡng nan” khi dừng thi công thì ảnh hưởng đến tiến độ mà tiếp tục thi công thì nguy cơ thua lỗ rất dễ xảy ra.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh kêu cứu vì giá vật liệu tăng phi mã
Doanh nghiệp Hà Tĩnh kêu cứu vì giá vật liệu tăng phi mã.

Về vấn đề này, ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, giá vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng. Hiệp hội đã nhận được thông tin một số đơn vị trúng thầu nhưng chấp nhận bỏ thầu vì giá vật liệu tăng quá cao hoặc thi công cầm chừng, chờ giá ổn định trở lại.

Trước thực trạng đó, Hiệp hội đã kiến nghị lên UBND tỉnh và các đơn vị liên quan về việc cho phép các dự án xây dựng ký kết theo đơn giá cố định và trọn gói được bù giá các loại vật liệu chính theo giá thị trường.

Trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng Hà Tĩnh đã kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Theo đó, một số giải pháp được đưa ra như: Chính phủ và các bộ ngành cần xem xét hạn chế việc xuất khẩu nguyên vật liệu xây dựng để bảo đảm nhu cầu cung ứng cho thị trường trong nước, áp dụng thuế xuất khẩu nguyên vật liệu ở mức cao, giảm thuế nguyên vật liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nhà nước cần nghiên cứu, có chính sách điều tiết khung giá trần nguyên vật liệu, tránh tình trạng giá thép tăng một cách bất thường như hiện nay, gây khó khăn trong dự toán xây dựng do không thể dự đoán trước biến động giá cả.

PV