Doanh nghiệp góp ý sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95

14:52 03/02/2023

Gần 9.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước vừa gửi đơn kiến nghị khẩn cấp về việc góp ý sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95; đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, hài hòa và công bằng lợi ích” trực tiếp đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cấp liên quan.

Ảnh minh họa
Doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị nên ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự “Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”.  

Theo nội dung kiến nghị, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khẳng định, những quy định chưa phù hợp ở Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài. Từ đó, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn... gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.

Cụ thể, quy định đưa ra hiện doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu. Trong khi đó, doanh nghiệp dù lỗ hay lãi vẫn phải mở bán. Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu. Điểm bất hợp lý khác là khi giá tăng, doanh nghiệp bán lẻ mua hàng thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là không giao hàng, để tồn trữ, giữ lại hưởng chênh lệch giá. Dù doanh nghiệp bán lẻ sắp hết hàng nhưng nhà cung cấp vẫn nhất quyết không giao hàng, nên dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ đóng cửa.

Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, Nghị định 83 và Nghị định 95 quy định cho doanh nghiệp bán lẻ chỉ lấy hàng một nơi để quản lý chất lượng là không thuyết phục. Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị được mua xăng dầu từ 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu, áp dụng đối với cả doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu...

Liên quan tới vấn đề xăng dầu, GS. Trần Thọ Đạt, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, vấn đề này đang nằm ở sự bất cập của thể chế, cải cách và sửa đổi các quy định kinh doanh không còn phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn.

“Tại sao nguồn cung xăng dầu được cơ quan quản lý khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu lại vẫn xảy ra tình trạng đứt gãy, cửa hàng bán lẻ treo biển hết xăng dầu? Điều này cho thấy vấn đề nằm ở cơ chế quản lý theo thị trường còn nhiều bất cập. Năm 2022, dường như những cải cách sửa đổi về thể chế đang bị chững lại”, GS. Trần Thọ Đạt nêu gốc rễ của vấn đề.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự “phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”.

Khi giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ khắc phục được các hạn chế nêu trên, đảm bảo mục tiêu “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đảm ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, không còn xảy ra tình trạng các cửa xăng dầu ngừng kinh doanh như hiện nay.

Thị trường xăng dầu hiện có khoảng 17.000 cửa hàng, trong đó hệ thống cửa hàng bán lẻ của hai doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần lớn chỉ có gần 3.000 cửa hàng. Do đó, với vai trò của các cửa hàng tư nhân cung ứng cho toàn thị trường ngày càng lớn, các doanh nghiệp kiến nghị cần sửa đổi quy định trong Nghị định 84 và 95 để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được cạnh tranh lành mạnh.

Phương án các doanh nghiệp đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c, đ khoản 28 “Bổ sung Điều 38a sau Điều 38 về công thức giá cơ sở” gồm: Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng (=) giá xăng dầu thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) chi phí kinh doanh định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có chi phí kinh doanh. (gồm: khâu nhập khẩu; Khâu phân phối; Khâu bán lẻ chi phí định mức dành riêng cho Cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 3,5% x giá bán lẻ tại thời thời điểm bán ra) cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có lợi nhuận kinh doanh (gồm: Khâu nhập khẩu; Khâu phân phối; Khâu bán lẻ lợi nhuận định mức dành riêng cho Cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 2,5% x giá bán lẻ tại thời thời điểm bán ra) cộng (+) chi phí về thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuê bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng) cộng (+) phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ảnh minh họa
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa

Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho hay, vấn đề quan trọng cần sửa đổi hiện nay là điều kiện kinh doanh xăng dầu theo hướng: Quy định thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối đến giai đoạn nào đó phải có bao nhiêu cửa hàng. Việc này sẽ giúp giải quyết được tình trạng thời điểm khó khăn thì thương nhân đầu mối “bỏ rơi” thương nhân phân phối và thương nhân phân phối lại “bỏ rơi” các cửa hàng, đại lý. Đồng thời, phải sửa đổi quy định về nhập hàng để tránh bị vỡ hệ thống, bởi quy định hiện nay thương nhân phân phối có thể lấy hàng ở bất kỳ đầu mối nào. Do vậy, lúc khó khăn về nguồn hàng họ chỉ lo các cửa hàng trong hệ thống của mình mà “bỏ rơi” các thương nhân phân phối không thường xuyên mua hàng.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cũng đồng tình với đề xuất thương nhân phân phối được lấy hàng từ tối đa 3 thương nhân đầu mối. Tuy nhiên, ông khuyến nghị thương nhân phân phối phải đăng ký với đầu mối về sản lượng mỗi năm để đầu mối có trách nhiệm cung cấp đủ hàng. Ngoài ra, thương nhân phân phối cũng phải đăng ký hệ thống phân phối với đầu mối và có trách nhiệm với các cửa hàng bán lẻ của mình. Khi đó, các cấp từ đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ sẽ có trách nhiệm với nhau, dẫn đến có trách nhiệm chia hoa hồng cho nhau để giữ được hệ thống.

Bình Phương