Doanh nghiệp cần nắm rõ quy định từng thị trường, từng hiệp định

15:45 22/09/2021

Quy tắc xuất xứ là điều kiện cần thiết để hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan, nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ lưỡng quy định này của từng thị trường nhập khẩu, theo từng cam kết để có thể tận dụng triệt để các hiệp định thương mại, xuất khẩu bền vững.

Nắm rõ quy định xuất xứ hàng hóa để áp dụng chuẩn xác

Trao đổi với phóng viên về kết quả của quá trình hội nhập kinh tế với sự tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) quy mô lớn, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, nhờ có tác động tích cực của các FTA, hoạt động xuất nhập khẩu đã tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua, với cơ cấu thị trường đa dạng hơn, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển biến tốt hơn và số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu nhiều hơn. 

  Nắm rõ xuất xứ hàng hóa để tăng năng lực cạnh tranh và bảo vệ hàng hóa. Ảnh: TL

Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.  

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh về vai trò của xuất xứ hàng hóa trong việc tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan từ các FTA. Xuất xứ hàng hóa để xác định quốc gia, nơi sản xuất hàng hóa và đặc biệt là "đòn bẩy" để hàng Việt gia tăng năng lực cạnh tranh, xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu. Hơn nữa, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ leo thang, xuất xứ hàng hóa chính là lá chắn mà các quốc gia sử dụng nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.

Do đó, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ lưỡng quy định xuất xứ hàng hóa của từng thị trường nhập khẩu, theo từng cam kết để có thể tận dụng triệt để FTA, xuất khẩu bền vững. Đơn cử, với hàng dệt may trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, xuất khẩu sang Singapore thì quy tắc xuất xứ chỉ cần là vải. Nhưng nếu xuất khẩu đi EU phải áp theo quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Việt Nam - châu Âu (EVFTA), thì yêu cầu từ vải trở đi. Còn nếu xuất khẩu sang Canada theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì phải đáp ứng quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn, theo ba công đoạn là: xe sợi, dệt vải và cắt may, đồng thời được thực hiện tại các nước thành viên của hiệp định này.

Rõ ràng, với dẫn chứng trên có thể thấy rõ, nếu doanh nghiệp xuất khẩu không "nắm trong lòng bàn tay" các quy định xuất xứ hàng hóa của từng thị trường nhập khẩu, theo từng cam kết trong FTA thì khó có thể đáp ứng cũng như tận dụng thành công hiệp định.

Tận dụng quy định mở trong RCEP để vực dậy hậu đại dịch

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được nhận định đang mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.

Hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo thông tư quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định này. Trong đó, đáng chú ý, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định có giá trị trong 1 năm và nhiều quy định mở để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và áp dụng một quy tắc xuất xứ chung giữa 15 nước thay vì áp dụng năm bộ quy tắc xuất xứ theo năm hiệp định tự do thương mai của ASEAN+1 như hiện nay giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, RCEP tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội tham gia.

Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp cũng như hoạt động xuất khẩu của nước ta đang gặp nhiều rào cản, khó khăn từ đại dịch Covid-19, RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi và vươn lên giai đoạn nền hậu đại dịch.

Vì vậy, theo các chuyên gia, để khai thác triệt để lợi ích do RCEP mang lại, doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu kỹ cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình. Cùng với đó, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng mặt hàng, nhận diện thương hiệu và xây dựng kế hoạch mở cửa thị trường.../.

Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định rõ “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ - nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.  

Theo Tố Uyên (Thời báo Tài chính)