Doanh nghiệp cần hiểu về thị thường ASEAN

17:10 14/07/2022

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, thị trường ASEAN không khó tính như nhiều thị trường khác tại Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ. Không những thế, ASEAN còn có vị trí địa lý gần gũi, hàng hóa và nhu cầu sử dụng hàng hóa có nhiều điểm tương đồng… nên có thể giúp hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Brunei

Trong giai đoạn 2000-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Brunei có xu hướng tăng lên mặc dù không thật ổn định từ 3,9 tỷ USD năm 2000 lên gần 13 tỷ USD năm 2012 và giảm xuống 6,6 tỷ USD năm 2020.

Trong cả giai đoạn, kim ngạch xuất khẩu trung bình của Brunei là 7,316 tỷ USD/năm. Kim ngạch nhập khẩu trung bình của cả giai đoạn là 2,726 tỷ USD/năm. Brunei là nước xuất siêu liên tục trong suốt giai đoạn với mức xuất siêu trung bình khoảng 4,6 tỷ USD/năm. Năm 2012 mức xuất siêu lớn nhất 9,4 tỷ USD và mức xuất siêu thấp nhất 1,29 tỷ USD vào năm 2020.

Về đối tác xuất khẩu, Brunei chủ yếu xuất khẩu hàng hoá đến 10 thị trường chủ yếu ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Australia, Trung Quốc và New Zealand.

Về mặt hàng xuất khẩu, Brunei chủ yếu xuất khẩu dầu thô và khí thiên nhiên, trung bình mỗi năm xuất khẩu 7,5 triệu tấn dầu thô và 9,36 tỷ m 3 khí tự nhiên.

Campuchia

Trong giai đoạn 2000-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Campuchia có xu hướng tăng lên ổn định từ 1,4 tỷ USD năm 2000 lên gần 17,7 tỷ USD năm 2020.

Trong cả giai đoạn, kim ngạch xuất khẩu trung bình của Campuchia là 6,3 tỷ USD/năm và kim ngạch nhập khẩu trung bình là 8,8 tỷ USD/năm. Năm 2000 có kim ngạch nhập khẩu nhỏ nhất 1,9 tỷ USD và năm 2019 có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất với 19,3 tỷ USD. Campuchia vẫn là nước nhập siêu với mức nhập siêu trung bình khoảng 2,5 tỷ USD/năm.

Về đối tác xuất khẩu, Campuchia chủ yếu xuất khẩu hàng hoá đến 10 thị trường là Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc, Thái Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Việt Nam.

Vể mặt hàng xuất khẩu, trong giai đoạn 2001-2020, Campuchia chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt kim và móc, phụ kiện dệt kim; ngọc trai tự nhiên, đá quý; giày dép, phụ kiện, túi xách; nhựa và sản phẩm nhựa…

Indonesia

Trong giai đoạn 2000-2020, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia có xu hướng tăng giảm không ổn định từ 56,32 tỷ USD năm 2001 lên gần 203,5 tỷ USD năm 2011 và giảm xuống 163,3 tỷ USD năm 2020.

Trong cả giai đoạn, kim ngạch xuất khẩu trung bình của Indonesia là 130,8 tỷ USD/năm. Kim ngạch nhập khẩu trung bình của cả giai đoạn là 114,3 tỷ USD/năm. Năm 2001 có kim ngạch nhập khẩu thấp nhất 30,92 tỷ USD và năm 2012 có kim ngạch lớn nhất với 203,5 tỷ USD. Indonesia có nhiều năm xuất siêu với mức xuất siêu trung bình khoảng 16,5 tỷ USD/năm.

Về đối tác xuất khẩu, trong 10 đối tác xuất khẩu chủ yếu cả giai đoạn 2000-2020, trung bình mỗi năm Indonesia xuất khẩu 19,97 tỷ USD sang Nhật Bản, 14,56 tỷ USD sang Trung Quốc, Hoa Kỳ 13,31 tỷ USD…

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nhiên liệu khoáng sản, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất, chất béo và dầu động - thực vật, máy móc, thiết bị điện và linh kiện, cao su và các sản phẩm cao su, máy móc, thiết bị cơ khí, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi và thiết bị…

Lào

Trong giai đoạn 2000-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Lào có xu hướng tăng lên khá ổn định từ 301 triệu USD năm 2000 lên gần 6,7 tỷ USD năm 2020. Trong cả giai đoạn, kim ngạch xuất khẩu trung bình của Lào là 2,3 tỷ USD/năm.

Về đối tác xuất khẩu, Lào chủ yếu xuất khẩu hàng hoá đến 10 thị trường chủ yếu thuộc các châu lục khác nhau là Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Anh, Thuỵ Sỹ.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nhiên liệu dầu khoáng, sản phẩm chưng cất; ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc bán quý, kim loại quý, kim loại mạ; các loại quặng; máy móc, thiết bị điện và các bộ phận…

Malaysia

Trong giai đoạn 2001-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Malaysia tăng từ 88 tỷ USD năm 2001 lên 247,5 tỷ USD năm 2018 và 244 giảm xuống 233,5 tỷ USD năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu trung bình của cả giai đoạn là 183,5 tỷ USD/năm.

Malaysia là nước xuất siêu liên tục trong cả giai đoạn 2001-2020 với mức xuất siêu trung bình khoảng 27,76 tỷ USD/năm và năm 2002 có mức xuất siêu nhỏ nhất 7,1 tỷ USD và mức xuất siêu lớn nhất gần 44 tỷ USD năm 2020.

Về đối tác xuất khẩu, trong giai đoạn 2000-2020, Malaysia chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu Singapore, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: máy móc, thiết bị điện; nhiên liệu, khoáng sản, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất; cao su và sản phẩm cao su; chất dẻo và các sản phẩm chất dẻo; thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra, thiết bị…

Myanmar

Trong giai đoạn 2000-2020, kim ngạch xuất khẩu của Myanmar tăng chậm từ 1,76 tỷ USD năm 2000 lên 18,11 tỷ USD năm 2019 và giảm xuống 16,92 tỷ USD năm 2020. Trong cả giai đoạn, kim ngạch xuất khẩu trung bình của Myanmar là 8,52 tỷ USD/năm.

Về đối tác xuất khẩu, Myanmar chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường: Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Đức, Anh, Tây Ban Nha…

Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: nhiên liệu khoáng sản, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất; sản phẩm quần áo và phụ kiện; rau củ các loại; cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và các động vật không xương sống dưới nước…

Philippines

Trong giai đoạn 2000-2020, kim ngạch xuất khẩu của Philippines có xu hướng tăng ổn định từ 38,1 tỷ USD năm 2000 lên gần 71 tỷ USD năm 2019 và giảm xuống 63,9 tỷ USD năm 2020.

Trong cả giai đoạn, kim ngạch xuất khẩu trung bình năm của Philippines là 50,8 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu trung bình của cả giai đoạn là 62,7 tỷ USD/năm. Năm 2000 có kim ngạch nhập khẩu thấp nhất 33,06 tỷ USD và năm 2018 có kim ngạch lớn nhất với 112,84 tỷ USD.

Philippines là nước nhập siêu nhiều năm liên tục với mức nhập siêu trung bình khoảng 11,9 tỷ USD/năm. Năm xuất siêu duy nhất trong cả giai đoạn là 2000 với mức 3,6 tỷ USD.

Về đối tác xuất khẩu, Philippines chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc… Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị điện và các bộ phận; thiết bị cơ khí, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi; trái cây và các loại hạt ăn được; nhiên liệu khoáng sản, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất…

Singapore

Trong giai đoạn 2001-2020, kim ngạch xuất khẩu của Singapore có xu hướng tăng lên ổn định từ 121,75 tỷ USD năm 2001 lên 419,93 tỷ USD năm 2013 và giảm xuống 373,91 tỷ USD năm 2020. Singapore là nước xuất siêu với mức xuất siêu trung bình khoảng 32,93 tỷ USD/năm.

Những đối tác xuất khẩu chính của Singapore là Malaysia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị điện và các bộ phận; máy móc, thiết bị cơ khí, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi; nhiên liệu khoáng sản, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất; hoá chất hữu cơ; thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra, thiết bị y tế…

Thái Lan

Trong giai đoạn 2001-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Thái Lan có xu hướng tăng lên ổn định từ 64,9 tỷ USD năm 2001 lên 250 tỷ USD năm 2018 và giảm xuống 230 tỷ USD năm 2020. Trong cả giai đoạn, kim ngạch xuất khẩu trung bình của Thái Lan là 176,45 tỷ USD/năm. Thái Lan là nước xuất siêu với mức xuất siêu trung bình khoảng 3,39 tỷ USD/năm trong đó năm có mức xuất siêu lớn nhất 20,6 tỷ USD năm 2020.

Những đối tác xuất khẩu chính của Thái Lan là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Australia, Indonesia, Viêt Nam, Malaysia… Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: máy móc, thiết bị cơ khí, lò phản ứng hạt nhân; máy móc, thiết bị điện và các bộ phận; cao su và các sản phẩm; nhựa và các sản phẩm nhựa; nhiên liệu khoáng sản, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất…

ASEAN được đánh giá là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với vị trí địa lý gần kề, dân số khoảng 650 triệu người, tổng GDP khoảng hơn 3.111 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm. Đặc biệt, từ khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với cam kết cắt giảm thuế quan cao nhất và nhanh nhất.

Đến nay, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ hiệp định này đã lên đến hơn 98,6%. Đây được nhận định là cơ hội vô cùng lớn đến hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội khối khu vực cũng như gia tăng kim ngạch thương mại Việt Nam – ASEAN.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. ASEAN chiếm 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, lớn hơn cả thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), để tận dụng tốt nhất cơ hội về thuế quan, tăng lượng hàng xuất khẩu vào nội khối thì hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ. Các doanh nghiệp cũng cần cập nhật và nắm chắc các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất và bảo quản, chú trọng tới bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói; liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm hợp tác với các nhà phân phối uy tín bản địa để có thể đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn.

Hiện nay, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) hoặc hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn theo các Hiệp định/Thỏa thuận thương mại song phương với từng nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào, Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia... Ngoài ra, các nước ASEAN đang đẩy nhanh triển khai các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế hậu COVID-19 như cam kết mở cửa thị trường, đảm bảo chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại. Đây là các điều kiện hết sức thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng khai thác hơn nữa tiềm năng khu vực thị trường này.

Tham khảo từ cơ cấu xuất nhập khẩu của các nước ASEAN, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện thể chế để vừa giảm thiểu rào cản mở rộng xuất nhập khẩu, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có, vừa huy động có hiệu quả hơn các nguồn lực bên ngoài để tạo điều kiện thực hiện cải thiện trạng thái hiện tại theo hướng đột phá, thậm chí tạo phương thức phát triển mới.

Lâm Nghi (t/h)