Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam là hoạt động thường niên quan trọng của Chương trình Thương hiệu quốc gia, được tổ chức nhằm tăng cường nhận thức của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Diễn đàn năm nay là đối thoại chính sách với sự tham gia của các cơ quan quản lý; các học giả quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Australia; các tổ chức quốc tế, gồm Đại sứ quán và Thương vụ các nước tại Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam đã thành công với “sản xuất xanh”.
Đặc biệt, diễn đàn có sự tham gia của đại diện Brand Finance - tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu có trụ sở chính tại Anh. Đây là tổ chức đã có những đánh giá rất khách quan, tích cực về sự nâng hạng của giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trong Top 100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Chia sẻ tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, trong thời gian gần đây, việc đầu tư nghiên cứu công nghệ, quy trình sản xuất, vật liệu mới, năng lượng tái tạo...để đưa ra các sản phẩm xanh có ích với cộng đồng đang là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trên thế giới. Thương hiệu xanh dần trở thành một khái niệm phổ biến khi người tiêu dùng ngày càng có thu nhập cao hơn và quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.
Từ đây, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, thương mại xanh, tiêu dùng xanh, tăng trưởng và phát triển xanh đã trở thành một xu thế tất yếu chứ không phải là một lựa chọn đối với các quốc gia trên thế giới...
Các doanh nghiệp Việt cũng không đứng ngoài xu thế này. Và thực tế cho thấy, thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Đồng thời, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các Hiệp định như CPTPP, EVFTA,... bởi những hiệp định thương mại này đều có những quy định khắt khe về tiêu chí môi trường. Nếu chúng ta thực hiện tốt sản xuất xanh thì cũng là một cơ hội tốt để chúng ta tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu,...
Tuy nhiên, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Được biết, Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 diễn ra từ ngày 17/4 đến ngày 23/4. Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong khuôn khổ sự kiện này. Cùng với đó là các chương trình được nhiều doanh nghiệp quan tâm, bao gồm chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm/ thương hiệu doanh nghiệp trong mối tương quan với thương hiệu quốc gia; các yếu tố gia tăng giá trị thương hiệu doanh nghiệp góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia; xây dựng thương hiệu đi đôi với chiến lược bảo hộ sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước; giải pháp truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên số…
Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông như: Đăng tin trên website của Bộ Công Thương và Cục Xúc tiến thương mại; đăng tin trên fanpage, facebook...và sử dụng dịch vụ nhân rộng truy cập (SEO) trên Internet. Thực hiện bài viết trên một số báo giấy, báo điện tử; thực hiện phóng sự về Tuần lễ trên Đài Truyền hình Việt Nam; treo pano, banner tại trụ sở Bộ Công Thương (tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng)...
Cùng với đó là phối hợp với các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền theo hình thức trực quan (treo băng rôn, pano, áp phích) tuyên truyền về Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 và Tuần Lễ Thương hiệu Việt Nam 20/4 tại các tỉnh/thành trên cả nước.
Triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá về Chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia thông qua hệ thống thương vụ, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tại các sự kiện ngoại giao, kinh tế, văn hóa, chính trị.
Đây là cầu nối quan trọng giúp đưa các thương hiệu Việt Nam tiếp cận sâu, rộng hơn với thị trường quốc tế, đặc biệt là các kênh phân phối do người Việt quản lý và sở hữu.
Hoài Anh