Theo thông kê toàn tỉnh Điện Biên hiện có trên 30 làng nghề và làng nghề truyền thống. Trong đó có 11 làng nghề sản xuất và chế biến, bảo quản nông sản; 8 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, mây tre đan và 12 nghề truyền thống khác. Trong đó, chưa có làng nghề nào đủ điều kiện và được công nhận theo quy định tại nghị định của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Các mô hình làng nghề, sản phẩm truyền thống chủ yếu là tự phát. Một số mô hình được hỗ trợ phát triển theo chương trình, dự án nhưng cũng hoạt động lay lắt hoặc hết hỗ trợ là cũng ngừng hoạt động.
Các nghệ nhân nơi đây cố gắng tạo ra các sản phẩm chất lượng nhất.
Với sản phẩm truyền thống Khẩu Xén và Chí Chọp của Hợp tác xã Lay Nưa đã được thiết kế bao bì sản phẩm khá bắt mắt, thế nhưng cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Từ đó dẫn đến việc sản phẩm có thương hiệu lại phải cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm của của người dân tự sản xuất.
Hiện nay làng nghề dệt thổ cẩm của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên có hơn 10 gia đình có đủ điều kiện để dệt các sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, thế nhưng chỉ có 2-3 gia đình thường xuyên hoạt động vì sản phẩm không tiêu thụ được.
Một số sẳn phẩm đặc sắc từ làng nghề truyền thống.
Mặc dù, trước đó Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang 2 đã được tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ về cơ sở vật chất và quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, do không bán được sản phẩm nên hợp tác xã đã phải cử người đi ký gửi cho các đại lý phục vụ du lịch ở các thành phố lớn, rất ít sản phẩm được bán trực tiếp cho khách. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ đầu năm 2020 đến nay hợp tác xã không nhận được một đơn hàng nào, trong khi đó sản phẩm tồn từ năm 2019 đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết.
Từ việc không tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm dẫn đến việc làng nghề không hoạt động hoặc hoạt động lay lắt, cầm chừng. Điển hình như làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Mường Luân 1 (xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Điện Biên) do không tìm được thị trường tiêu thụ khiến người dân không còn mặn mà với nghề. Hay làng nghề thêu ren ở bản Tà Là Cáo (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa) cũng lay lắt do không có đơn đặt hàng.
Những năm qua tỉnh Điện Biên đã có nhiều hoạt động thiết thực để khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm, làng nghề truyền thống như: Quảng bá tại các sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh hay tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển phong phú các sản phẩm theo hướng hàng hóa cũng góp phần giải quyết những khó khăn của một số làng nghề truyền thống.
Vũ Tiến