Điểm tên 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất nửa đầu năm 2023

12:08 02/08/2023

Việc tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có chiều hướng gia tăng đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước.

Kết thúc quý 2/2023, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh so với đầu năm 2022. Việc tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có chiều hướng gia tăng đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài, đặc biệt là do ảnh hưởng từ khó khăn của bất động sản và tài chính tiêu dùng.

Tuy nhiên, tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát tốt ở mức thấp so với mức chung của ngành.

Tính đến ngày 30/6/2023, chỉ có 2 ngân hàng duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1% là Bac A Bank (BAB) và Vietcombank (VCB). Cụ thể, Bac A Bank đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống ở mức 0,7%, tăng nhẹ so với mức 0,55% vào cuối năm 2022. Vietcombank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,83% tại ngày 30/6/2023.

ACB và Techcombank cũng kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức thấp lần lượt ở 1,06% và 1,07%.

Ảnh minh họa
Tổng hợp từ BCTC quý 2/2023 của các ngân hàng.

Kết thúc quý 2/2023, chỉ có 2/27 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm 2023 là Kienlongbank và SHB. Cụ thể, Kienlongbank giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,92% xuống 1,65% - lọt top 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. SHB cũng giảm tỷ lệ nợ xấu từ 2,81% xuống 2,57% trong nửa đầu năm 2023.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý 2/2023 của các ngân hàng
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý 2/2023 của các ngân hàng.

Theo số liệu từ Hiệp hội ngân hàng (VNBA), đến cuối quý 2, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, nợ xấu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực gia tăng trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng.

Tuy nhiên, nhờ việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian qua cùng với những kinh nghiệm dày dặn đã tích luỹ trong 15 năm qua, các chuyên gia cho rằng, nợ xấu vẫn đang trong tầm kiểm soát và không gây ra rủi ro hệ thống cho các ngân hàng.

P.V (Tổng hợp)