Từ thành phố Thanh Hóa chỉ mất khoảng hơn 1h đồng hồ là đến khu di tích lịch sử Vườn quốc gia Bến En, điểm du lịch nổi bật của huyện miền núi Như Thanh. Đến đây chúng ta sẽ được trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, phiêu du trên lòng hồ sông Mực để ngắm nhìn 21 đảo như 21 viên ngọc giữa trời mây, non nước hữu tình. Hồ sông Mực được ví như Hạ Long trên cạn của xứ Thanh, nước hồ quanh năm đầy ắp, xanh biếc và tĩnh lặng. Không gian sông Mực càng trở nên thơ mộng, trữ tình vào buổi sáng ban mai với những hòn đảo mang tên Tình Yêu, Hạnh Phúc, Núi Đôi, Hy Vọng... soi bóng xuống hồ. Ở đây còn có những rừng nguyên sinh ngút ngàn, những hang động kì bí trong các dãy núi trùng điệp và những hòn đảo xanh nổi lên giữa bao la mặt nước.
Ngoài ra, Như Thanh cũng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng như: Hang Lò Cao kháng chiến, đền Mẫu Phủ Sung, đền Phủ Na, đền Bạch Y Công Chúa, đền Đức Ông Khe Rồng, Lễ hội Rước Bóng đền Phủ Na, lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy dân tộc Thái và nhiều loại hình văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc, như Khặp Thái, hát dân ca, hát ru, xường của dân tộc Mường...
Hội nghị thông tin về Chương trình phát triển du lịch huyện Như Thanh
Nhằm đẩy mạnh sự phát triển du lịch trên địa bàn huyện Như Thanh, chiều ngày 22/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Như Thanh tổ chức hội nghị thông tin về việc triển khai chương trình phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Nguyễn Quốc Uy khẳng định: Để du lịch Như Thanh ngày một phát triển, đồng chí đề nghị huyện Như Thanh cần thay đổi tư duy, chiến lược trong công tác quản lý và quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn; quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh và huyện về phát triển du lịch đến người dân để thúc đẩy phát triển du lịch, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương; làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng du lịch; xây dựng tuyến, tour du lịch thông qua các nhà lữ hành trong và ngoài tỉnh để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng; tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tác nghiệp và tuyên truyền.
Về phía huyện Như Thanh, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã và đang đẩy mạnh xây dựng, triển khai thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch; tạo hành lang pháp lý và các điều kiện cho quản lý và phát triển du lịch, tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; kêu gọi vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan... Ngày 19/4/2016, Tập đoàn Sun Group đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hóa về hợp tác đầu tư Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En với tổng mức đầu tư 2 giai đoạn lên đến gần 10 tỷ đồng.
Khu du lịch sinh thái Bến- En
Tại hội nghị, ông Đinh Xuân Hướng, chủ tịch UBND huyện Như Thanh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các phóng viên, nhà báo trong định hướng phát triển du lịch của huyện. Ông cũng nhấn mạnh các cơ quan báo chí cần quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền dể du lịch Như Thanh ngày càng được đông đảo du khách, cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư biết đến, góp phần đưa huyện trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh như mục tiêu đã đề ra.
"Chúng tôi sẽ rà soát lại những điểm du lịch, nếu điểm du lịch nào nằm trong tầm tay, huyện sẽ cam kết lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để đầu tư, xây dựng và phát triển. Còn dự án Vườn quốc gia Bến En thì phải nhờ vào sự giúp đỡ của tỉnh. Hiện, Tập đoàn Sun Group đang chờ đường cao tốc Thanh Hóa – Ninh Bình hoàn thành thì sẽ xúc tiến đầu tư vào đây. Dự án cao tốc sẽ hoàn thành năm 2021. Nếu đến năm 2019, dự án khởi công mà tập đoàn chưa có động thái thì chúng tôi sẽ lựa chọn nhà đầu tư khác", ông Hướng nói.
Các phóng viên, nhà báo đã phát biểu, đánh giá những tiềm năng lợi thế trong công tác phát triển du lịch của huyện Như Thanh, đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: Quản lý quy hoạch loại hình du lịch của các doanh nghiệp và hộ gia đình chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng đội ngũ phục vụ, văn hóa giao tiếp, ứng xử tại các khu, điểm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; việc đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm, món ăn bản địa chưa được chú trọng, du lịch chưa có điểm nhấn để thu hút khách,…
Hi vọng rằng với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành; sự nỗ lực của chính quyền địa phương; công tác truyền thông, quảng bá mạnh mẽ của các cơ quan báo chí ngành du lịch Như Thanh sẽ “cất cánh” trong tương lai không xa.
Minh Hiền