Đế chế xa xỉ với hàng loạt thương hiệu lừng danh
Được biết đến là một tập đoàn quốc tế của Pháp chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ, LVMH chính thức thành lập năm 1987 bởi tỷ phú lừng danh Bernard Arnault. Trải qua gần 4 thập kỷ hình thành và phát triển, LVMH không ngừng mở rộng quy mô và đa dạng hóa danh mục. Hiện, tập đoàn sở hữu đến 75 thương hiệu hàng đầu toàn cầu trong các lĩnh vực thời trang, trang sức, mỹ phẩm,...như: Louis Vuitton, Dior, Bvlgari, Céline, Givenchy, Tiffany & Co, Fendi.
Tuy nhiên, để duy trì một thương hiệu gắn liền với 2 từ "xa xỉ" không phải là một điều dễ dàng. Khái niệm "xa xỉ" và "đắt tiền" thường hay bị đánh tráo nhau, hoặc nhiều người thường nhầm lẫn ý nghĩa của 2 cụm từ đó. Việc tích đủ điều kiện để thương hiệu trở thành xa xỉ thì đầu tiên thương hiệu ấy cần sở hữu và duy trì một di sản độc đáo, luôn được định giá cao, là ước mơ của số đông với sự ảnh hưởng nhất định đến đến văn hóa đại chúng.
Theo Chủ tịch của hãng xe cao cấp BMW tại khu vực Bắc Mỹ: "Công việc của tôi là đảm bảo những thanh niên 18 tuổi quyết định rằng, ngay khi có tiền, họ sẽ mua một chiếc BMW. Tôi phải đảm bảo rằng khi họ đi ngủ vào ban đêm, họ sẽ mơ thấy BMW". Và đó cũng chính là mục tiêu mà các thương hiệu con của tập đoàn LVMH luôn hướng đến.
Bên cạnh việc mua lại và phát triển các thương hiệu thành công sẵn có, LVMH còn có công rất lớn khi đóng góp công sức để tạo ra bước tiến mới mãnh liệt cho các nhãn hàng. Ví dụ, tập đoàn đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, tạo ra những dòng sản phẩm độc đáo và sáng tạo sau khi mua lại thương hiệu Louis Vuitton vào năm 1987. Giờ đây, Louis Vuitton đã trở thành một biểu tượng của sự sang trọng và phong cách, và mang lại lợi nhuận đáng kể cho LVMH.
Năm 1985, sau khi mua lại Dior, LVMH cũng đã kiến tạo sự kết hợp hoàn hảo giữa những đường nét tinh tế cùng đặc điểm độc quyền, tạo ra những bộ sưu tập kết hợp sản phẩm thời trang, mỹ phẩm và phụ kiện, đưa thương hiệu này đến gần hơn với đa dạng tệp khách hàng trên thế giới.
Chiến lược "phản marketing"
Chiến lược marketing kinh điển của LVMH là không đi theo thị hiếu khách hàng. Tập đoàn này tuyệt đối không vì khách hàng thích thứ gì đó, hay thị trường đang nổi lên xu hướng mới mà làm thay đổi định hướng của bộ sưu tập tiếp theo nhằm thu hút đại chúng.
Trái lại, tập đoàn LVMH luôn chủ động, trở thành người đi đầu cho các xu hướng thời trang. Các thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Dior và Celine luôn đóng vai trò "chi phối khẩu vị" cho toàn thị trường. Những gì LVMH tạo ra đôi khi bị hàng loạt thương hiệu thời trang khác sao chép mẫu thiết kế.
Tuy nhiên, LVMH vẫn luôn làm tốt định hướng của tập đoàn là lấy sự sáng tạo làm trọng tâm, LVMH sẵn sàng bảo trợ cho nghệ thuật và định vị mình là người ủng hộ những tài năng mới nổi.
Lợi thế từ mô hình hoạt động
Tuy 75 thương hiệu nổi tiếng đều trực thuộc tập đoàn LVMH, nhưng chúng được quản lý theo mô hình phi tập trung, hầu hết các quyết định được đưa ra bởi các nhà quản lý cấp trung chứ không phải ông Bernard Arnault.
Mỗi thương hiệu tại LVMH đều hoạt động độc lập nhằm giúp thương hiệu xử lý tốt nhất mỗi khi phát sinh tình huống khẩn cấp xảy ra. Dior, Louis Vuitton, hay Givenchy,... sẽ có giám đốc sáng tạo riêng, giống như những thương hiệu riêng lẻ khác.
Tuy nhiên, tập đoàn lớn LVMH vẫn luôn túc trực và sẵn sàng tương tác, hỗ trợ 75 thương hiệu trong hệ sinh thái của mình bất cứ khi nào họ cần. Dù các thương hiệu thuộc sự quản lý của LVMH hoạt động độc lập nhưng chúng vẫn tạo ra sự liên kết chặt chẽ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ sưu tập.
Ví dụ, việc sử dụng túi xách Louis Vuitton kết hợp với trang sức Bulgari hoặc nước hoa của Dior đã tạo ra những bộ sưu tập hoàn hảo và gia tăng giá trị cho từng thương hiệu.
Sự vững mạnh của một tập đoàn
LVMH đã trở thành một tập đoàn xa xỉ hàng đầu trên thế giới, với giá trị thị trường lên tới hơn 500 tỷ USD tính đến năm 2023 nhờ tập trung sâu vào chất lượng, sáng tạo, và quản lý thương hiệu đa dạng.
Bất chấp Covid-19 cùng những biến chuyển của kinh tế thế giới, doanh số bán hàng của LVMH đã tăng trưởng 12% trong quý 3 năm 2020 và kết thúc năm đại dịch 2020 với doanh thu 144 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện, 75 thương hiệu thuộc sự quản lý của tập đoàn đã có mặt tại hơn 70 quốc gia với 4.800 cửa hàng bán lẻ. Các nhà phân tích kinh tế cũng nhận định rằng, LVMH sẽ còn giữ vững vị thế của mình trong nhiều năm sắp tới.
H.C (t/h)