Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển nhanh
Tạo môi trường thuận lợi
Chia sẻ về những kết quả triển khai Đề án 844 trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2018, ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc Văn phòng Đề án 844 - cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tạo lập môi trường thể chế chính sách thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Cụ thể, đã xây dựng và ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BKHCN ngày 12/4/2018 quy định tổ chức quản lý Đề án 844; phối hợp tham gia xây dựng nội dung về khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, tham gia xây dựng nội dung về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ Quỹ phát triển KH&CN của DN tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP; trình Chính phủ báo cáo giải pháp thu hút đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước tại Công văn số 666/BKHCN-PTTTDN ngày 19/3/2018…
Bộ KH&CN đã kết nối, thực hiện ký hợp đồng với 4 đối tác có năng lực, kinh nghiệm triển khai các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ty Đầu tư và phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Công ty CP Vietnam Silicon Valley Accelerator. Bộ KH&CN cũng đã giao Cục Thông tin KH&CN quốc gia chủ trì hoàn thiện, phát triển Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia, cung cấp các thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Tăng cường kết nối
Một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đó là hoạt động liên kết, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái này. Theo đó, trong năm 2017, Bộ KH&CN đã phối hợp tổ chức thành công sự kiện Diễn đàn khởi nghiệp APEC với sự tham dự của gần 30 DN khởi nghiệp ĐMST, hơn 30 nhà đầu tư, Quỹ đầu tư mạo hiểm, các đại diện của Việt Nam và quốc tế về khởi nghiệp ĐMST.
Đặc biệt, Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (NATEC) đã tổ chức thành công sự kiện Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia năm 2017 thu hút đông đảo các thành phần hệ sinh thái trong nước và nước ngoài tham gia, đồng thời để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam và khu vực. Hay vào tháng 9/2017, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo Liên kết vùng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Hải Phòng, thu hút sự tham gia đông đảo của các sở, ban, ngành. Đáng chú ý, DN khởi nghiệp đạt giải nhất trong khuôn khổ sự kiện này là Gonow - DN mới chỉ thành lập được 6 tháng, đã được Tập đoàn Viettel mua lại 30% cổ phần…
Có thể nói, những hoạt động tích cực và hiệu quả của Đề án 844 đã góp phần giúp hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore), Việt Nam hiện có khoảng 3.000 DN khởi nghiệp ĐMST. Con số này tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính vào năm 2015 (khoảng 1.800 DN). Đồng thời, số lượng và chất lượng của các startup ngày càng tăng cao, thể hiện qua số lượng các thương vụ đầu tư, số lượng vườn ươm, khu làm việc chung…
Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án 844 là hướng tới mở rộng kết nối vùng, liên vùng, quốc gia và quốc tế để thu hút nguồn lực và nhân lực khởi nghiệp ĐMST tới Việt Nam và phát triển thị trường cho DN khởi nghiệp ĐMST.
Nga Quỳnh