Đà Nẵng coi ứng dụng, đổi mới công nghệ là động lực để phát triển bền vững
Đây là hoạt động nhằm kết nối, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã được cập nhật những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của thành phố Đà Nẵng gồm hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ với mức hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/năm/doanh nghiệp; hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ với mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/năm/doanh nghiệp; hoạt động hỗ trợ cho vay (tối đa 2 tỷ đồng/dự án), tài trợ không hoàn lại (tối đa 300 triệu đồng/dự án); dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020.
Theo ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch HH DNNNV Đà Nẵng, thời gian qua, hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách về công nghệ còn khá hạn chế so với hơn 20.000 doanh nghiệp Đà Nẵng hiện có; do nhiều nguyên nhân như nhận thức của doanh nghiệp về đầu tư cho công nghệ cao, đổi mới công nghệ còn hạn chế, hạn chế về vốn do đa phần là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; doanh nghiệp còn ngại làm hồ sơ, thủ tục, giấy tờ để được hưởng các chính sách; đa số doanh nghiệp chưa dành sự quan tâm và nguồn lực cho sáng tạo, đổi mới công nghệ….
Ông Bình kiến nghị phải có một bản đồ trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp Đà Nẵng, từ đó, có những chính sách hỗ trợ về công nghệ sát thực tế. Bên cạnh đó, nên có chính sách hỗ trợ ngắn hạn theo ưu tiên của từng năm; có chính sách “mở” về hỗ trợ vay vốn để đổi mới khoa học, công nghệ. Đặc biệt là phải lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp trước khi ban hành chính sách, tránh tình trạng chính sách không đi vào thực tế gây cho doanh nghiệp mất niềm tin, không quan tâm đến các chính sách hỗ trợ như thời gian qua.
Ký kết hợp tác đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất của doanh nghiệp
Cũng tại hội thảo, 5 đơn vị gồm Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng, trường Đại học Duy Tân, Đại học Nguyễn Tất Thành, Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ Đà Nẵng đã ký kết phối hợp hoạt động qua sàn Techmart Đà Nẵng và sàn tri thức Novelind đến năm 2025 gồm: giới thiệu, phổ biến, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; Điều tra khảo sát nhu cầu công nghệ, tập hợp và chia sẻ đội ngũ chuyên gia tổ chức tư vấn, đánh giá, hoàn thiện công nghệ, xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa Sàn công nghệ và thiết bị Techmart online Đà Nẵng với sàn tri thức Novelind phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ các bên; Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quản lý, quản trị công nghệ, kỹ năng tiếp nhận công nghệ cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân; Tổ chức các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, công nghệ có khả năng ứng dụng và sẵn sàng chuyển giao; Phối hợp xây dựng, trình diễn các mô hình công nghệ, tổ chức nhân rộng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.
Sàn giao dịch thương mại điện tử công nghệ Đà Nẵng – Techmart Đà Nẵng hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp tham gia, với hơn 40.000 sản phẩm công nghệ, thiết bị. Doanh nghiệp tham gia Techmart được tạo gian hàng ảo, giới thiệu thông tin và quảng bá các sản phẩm công nghệ thiết bị của mình đến với khách hàng, được cung cấp thông tin về chính sách phát triển kinh tế xã hội của cả nước, các cơ hội đầu tư...hoàn toàn miễn phí.