Ngày 17/12, Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) phát đi thông cáo đã hoàn thành tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Theo đó, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã có 8 thành viên xóa sạch số dư nợ xấu từng bán lại cho VAMC giai đoạn trước đây.
Theo tìm hiểu của BizLIVE, dù chỉ còn ít ngày nữa kết thúc năm 2019 nhưng dự kiến “nhóm sạch nợ VAMC” sẽ có thêm một số thành viên nữa ngay trong năm nay, như VPBank, BIDV và Agribank…
Kết thúc 2019, hệ thống ngân hàng Việt Nam bước sang năm 2020 với những mốc hẹn đáng chú ý. Bên cạnh yêu cầu tuân thủ vốn theo Basel II, lượng lớn nợ xấu bán sang VAMC trước đây có cuộc đoàn tụ để nhận về.
VAMC bắt đầu mua nợ xấu của các ngân hàng từ năm 2013, nhưng phải đến nửa đầu năm 2015 mới thực sự là mùa cao điểm. Khi đó Ngân hàng Nhà nước đặt yêu cầu các thành viên phải đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước 30/9/2015. Giải pháp chủ lực khi đó là dồn bán cho VAMC.
Theo cơ chế đã định, nợ bán sang đây và nhận trái phiếu đặc biệt có kỳ hạn 5 năm. Tính từ mốc mùa cao điểm trên, 5 năm đã gần trôi qua, cuộc đoàn tụ lớn của nợ xấu, trở về với các ngân hàng thương mại đã trước mặt.
Đó là những gì đã diễn ra và cuộc hẹn lớn trong 2020 đã định. Nhưng liên quan gì đến Thông tư 22 Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng?
Mỗi chính sách không đơn lẻ, mà nằm trong tổng hòa các cơ chế, định hướng của nhà điều hành để hướng đến những mục tiêu nào đó.
Trước thềm mùa cao điểm bán nợ xấu sang VAMC nói trên, có một chính sách quan trọng khác sắp kết thúc khi đó: Quyết định 780 cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Cơ chế này được chuyển tiếp sang Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 về phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Và sau đó đến lượt Thông tư 36 ra đời với một điều chỉnh trọng yếu liên quan (đến nay được thay thế bằng Thông tư 22 vừa ban hành nói trên).
Cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm đó đến 01/4/2015 phải kết thúc. Quy mô khi đó từng được Ngân hàng Nhà nước đề cập lên tới khoảng 300.000 tỷ đồng nợ loại này.
Mốc thời điểm 01/4/2015 gần kề với mốc 30/9/2015 toàn hệ thống phải đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% nói trên. Có những khoản lẽ ra trở thành nợ xấu, nhưng được cơ cấu lại. Khi cơ chế cơ cấu kết thúc, nếu không xử lý được sẽ buộc phải nhận là nợ xấu. Vậy thì vẫn có một tình huống: trước 01/4/2015, nếu khoản lẽ ra là nợ xấu có kỳ hạn ngắn, nhanh trở về để phải ghi nhận, thì có thể cơ cấu lần cuối thành nợ trung và dài hạn để doãng áp lực trước mục tiêu đưa tổng thể xuống dưới 3%.
Như vậy, dư nợ trung dài hạn theo đó có thể dâng lên. Có một điểm cùng lúc được chú ý, khi đó Ngân hàng Nhà nước đột ngột nới rộng gấp đôi giới hạn tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, từ 30% lên tới 60%, cho hệ thống (tại thời điểm đó tỷ lệ này thực tế của hệ thống chỉ hơn 19% mà thôi), bằng Thông tư 36.
Và đây cũng chính là điểm liên quan đến Thông tư 22 vừa ban hành, trong đó có nội dung quan trọng về lộ trình siết lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, dù thời gian qua đã có bước thu hẹp dần.
Nhìn lại loạt chính sách trên, yếu tố lộ trình và giảm tải là đặc điểm chung. Áp lực nợ xấu được doãng ra, có tạo điều kiện gián tiếp để doãng. Nay, qua thời gian, bản chất của nợ xấu được trả lại dần, tính chặt chẽ của cơ chế chính sách trong an toàn hoạt động cũng được trả lại dần.
Quyết định nới hẳn giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% nới lên 60% nay từng bước được siết lại. Nợ xấu cơ cấu và bán sang VAMC cũng từng bước trở về, được xử lý và có cuộc đoàn tụ lớn trong năm tới.
Như trên, mỗi cơ chế chính sách đều nằm trong tổng hòa các hướng điều hành để cùng đạt mục tiêu nào đó. Cơ cấu lại nợ, tạo điều kiện giãn áp lực nợ xấu không chỉ tránh dồn ép hệ thống khi sức gánh vác yếu đi qua giai đoạn bất ổn trước đó, mà còn gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, mà mở rộng là nền kinh tế.
Nay, những sứ mệnh trên lần lượt hoàn thành, cơ chế từng bước điều chỉnh lại và cuộc đoàn tụ lớn của nợ xấu trong năm 2020 cũng bớt đi áp lực.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ 2013 đến 31/8/2019, VAMC mua nợ xấu đạt 348.500 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, và cũng trong khoảng thời gian này họ đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ ước đạt 138.347 tỷ đồng. Theo đó, số dư dồn đáo hạn và “đoàn tụ” trong 2020 ước tính vào khoảng dưới 200.000 tỷ đồng.
Cơ chế quy định, trong thời hạn 5 năm mỗi khoản nợ bán sang VAMC thì phải trích lập 20% mỗi năm. Khi đáo hạn, các tổ chức tín dụng cũng thực hiện trích lập dự phòng đối ứng xong để nhận về; mặt khác, chính họ cũng đã tự chủ động xử lý, thu hồi được phần đáng kể trước thời hạn để bớt áp lực năm tới.
Và như trên, ngay từ năm 2016 cho đến nay, lần lượt đã có 8 thành viên, kết thúc năm nay dự kiến có trên 10 thành viên tất toán hết nợ xấu tại VAMC trước hạn. Nợ xấu theo đó dần trở về một cách thực chất hơn, giảm được và kiểm soát ở mức thấp một cách thực chất hơn. Đây cũng là triển vọng trong cuộc đoàn tụ của năm 2020.
Minh Đức