Cú hích mới cho thanh toán không tiền mặt

00:00 12/10/2020

Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa công bố danh mục 13 giao dịch thuộc 6 lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Đây được coi là cú hích để thanh toán không tiền mặt tiến thêm một bước.

 

Thanh toán bằng thẻ tại siêu thị Co.op Mart Hà Nội. Ảnh: Việt Linh

Chủ trương đúng
Các lĩnh vực bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng là: Giao dịch giữa các DN trong góp vốn, mua bán chuyển nhượng vốn góp, cho vay và trả nợ lẫn nhau theo hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; thanh toán giao dịch mua bán chứng khoán, trái phiếu Chính phủ trên sàn chứng khoán; giao dịch hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để người nộp thuế giá trị gia tăng được khấu trừ thuế và DN được trừ tính thuế thu nhập DN, khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt; giải ngân vốn vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng cũng phải bắt buộc thanh toán qua ngân hàng và một số lĩnh vực thu, chi ngân sách nhà nước...

Hiện nay, các lĩnh vực thanh toán mới chỉ đang khuyến khích cho khách hàng cá nhân và tổ chức thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, phí dịch vụ; thanh toán vé máy bay; nạp tiền điện thoại, mua bán trên mạng… Theo đánh giá của các chuyên gia, việc áp dụng thanh toán với 13 giao dịch trên không chỉ là biện pháp thúc đẩy hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn góp phần làm minh bạch, lành mạnh hóa các dịch chuyển về tài sản, hàng hóa, nguồn vốn, thu nhập trong xã hội và nền kinh tế. Thanh toán điện tử vừa nhanh chóng, an toàn khi thanh toán cho các giao dịch có giá trị lớn, ở xa. Giúp kiểm soát dòng tiền chặt chẽ hơn, minh bạch nền tài chính và hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng chống tham nhũng.

Ở một số nước, để phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, họ đã phải dùng đến những biện pháp rất cứng rắn trong việc quy định hình thức thanh toán đối với nhà cung ứng hàng hóa. Ví dụ tại Đài Loan, nhiều quán ăn nếu khách hàng không có mã QR để quét thanh toán sẽ không thể dùng bữa, vì họ không dùng tiền mặt mà chỉ nhận thanh toán bằng hình thức này. Ở Hàn Quốc áp dụng theo lộ trình thích hợp những lĩnh vực, khu vực hoặc chủ thể bắt buộc. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, khu vực hoặc chủ thể có đủ điều kiện để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, lĩnh vực phúc lợi xã hội, dịch vụ công, dịch chuyển tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền liên quan khác… Thụy Điển cấm sử dụng tiền mặt tại một số dịch vụ công như phương tiện giao dịch công cộng (xe bus, tàu...); Pháp và Bỉ đưa ra quy định giao dịch có giá trị lớn hơn 3.000 EUR phải áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt…

Vì sao người dân chưa mặn mà?

Thanh toán không tiền mặt là chủ trương hết sức đúng đắn của Chính phủ, phù hợp với xu thế của quốc tế. Song để thanh toán không dùng tiền mặt thực sự trở thành hình thức lưu thông tiền tệ phổ biến trong nền kinh tế và đời sống xã hội thì cần nỗ lực từ nhiều phía, đó là phía cơ quan quản lý, hệ thống cung cấp dịch vụ và cả nhận thức của người dân, DN.

Trên thực tế, tỉ lệ khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua sắm vẫn chưa cao do nhiều nguyên nhân, như sợ tăng thêm chi phí, chưa tiện lợi và tâm lý của người dân. “Khách hàng luôn muốn thanh toán phải nhanh, kịp thời. Chẳng hạn, trên app của những đơn vị thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua 8 bước. Trong khi chỉ cần phải thao tác qua 3 bước là khách hàng đã bỏ, không sử dụng nữa rồi. Đây là hạn chế thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng” - CEO một trang điện tử mua bán chia sẻ.
Một số người lại phàn nàn, ngay tại Hà Nội, tại ở nhiều cửa hàng, quán ăn, trung tâm mua sắm... không có máy quẹt thẻ, hoặc máy hỏng hay nhân viên lúng túng khi khách hàng muốn quét mã QR để thanh toán. Với dịch vụ chuyển tiền, khi đăng nhập vào hệ thống, phần mềm bị lỗi hoặc giao diện bị đơ, không thực hiện được. Trong khi nhiều người chưa mặn mà sử dụng thanh toán không tiền mặt để mua sắm, trả tiền dịch vụ công, viện phí... thì những trục trặc nhỏ như trên nếu chậm được giải quyết hoặc giải thích không thỏa đáng càng khiến người dùng e ngại với phương thức thanh toán này.

Do đó, các ngân hàng, tổ chức thanh toán cần phải trang bị tốt về công nghệ thông tin, có các cơ chế xử lý lỗ hổng về quy trình, công nghệ, các giải pháp chống tội phạm. Về phía NHNN, hoàn thiện rà soát, ban hành, bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách như: Khung pháp lý rõ ràng, minh bạch; tăng cường sự giám sát của NHNN đối với hệ thống ngân hàng.

Thảo Nguyên