![]() |
Công dụng chữa bệnh tuyệt vời từ cây đinh lăng. |
Đinh lăng là một loại cây thân nhỏ, thân nhẵn, không có gai, thường cao 0,8 – 1,5m. Lá kép 3 lần xẻ lông chim dài 20-40cm. Lá chét có cuống gầy dài 3-10mm, phiến lá chét có răng cưa không đều, lá có mùi thơm. Cụm hoa hình chùy ngắn 7-18mm gồm nhiều tán, mang nhiều hoa nhỏ. Tràng 5, nhị 5 với chỉ nhị gầy, bầu hạ 2 ngăn có dìa trắng nhạt. Quả dẹt dài 3-4mm, dày 1mm có vòi tồn tại.
Thành phần hóa học: Trong đinh lăng có các alcoloid, glucozit, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B, các axit amin trong đó có lyzin, xystei, và methionin là những axit amin không thể thay thế được. |
![]() |
Đặc điểm của cây đinh lăng |
Trong y học cổ truyền Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dùng rễ đinh lăng sao vàng, hạ thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú.
Cây đinh lăng được mọi người dùng để ăn như rau làm gia vị và chữa nhức đầu. Nhiều nơi thường lấy lá đinh lăng để nấu canh với thịt, cá bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.
Có rất nhiều người bị đau nhức xương khớp, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Lúc này uống nước lá đinh lăng trong vài ngày bạn sẽ thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Lá của cây đinh lăng thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, chữa kiết lỵ và làm thuốc tăng lực, chữa chứng suy nhược cơ thể.
Lá đinh lăng giúp chữa đau tử cung, đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt. Các hoạt chất trong lá đinh lăng giúp chị em tăng cường sức đề kháng sau khi sinh nên có thể giảm làm giảm các cơn đau cổ tử cung. Ngoài ra, còn có tác dụng cải thiện quá trình lưu thông máu, hỗ trợ điều trị đau bụng kinh rất hiệu quả.
![]() |
6 bài thuốc chữa bệnh từ cây đinh lăng. |
Lợi sữa sau sinh:
Vỏ rễ củ đnh lăng: 20g; Gừng tươi: 3 lát
Đổ 500 ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng, dùng liền 5 ngày.
Chữa mẩn ngứa, dị ứng, mày đay:
Lá đinh lăng khô: 80g.
Đổ 500ml nước sắc còn 250ml, chia làm 2 lần uống, dùng liền 10 ngày.
Chữa sưng đau cơ khớp, vết thương:
Lá đinh lăng tươi: 40g
Lấy lá tươi giã nhuyễn, đắp vết thương hay chỗ sưng đau.
Chữa đau lưng mỏi gối:
Thân cành đinh lăng: 20 – 30g
Sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.
Bồi bổ cơ thể, chống mệt mỏi:
Lá đinh lăng tươi: 150-200g, 200ml nước
Đun sôi 200ml nước, cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5-7 phút, chắt ra, đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai. Đun sôi tiếp, trộn hai nước với nhau, chia 2 lần uống trong ngày.
Tiêu thực, kích thích tiêu hóa:
Vỏ rễ đinh lăng: 10g, 200ml nước.
Đun sôi nhỏ lửa đến khi còn khoảng 150ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Chú ý: Dùng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy…
Để sử dụng lá đinh lăng với mục đích chữa bệnh hoặc tăng cường sức đề kháng, bạn có thể sử dụng ở dạng khô hoặc tươi.
Trong đó lá đinh lăng tươi được sử dụng nhiều hơn vì các hoạt chất trong lá được bảo toàn khi đưa vào cơ thể. Đinh lăng tươi cũng có thể được sử dụng để chế biến các món ăn ngon và tốt cho sức khỏe. Ngược lại, đinh lăng khô sử dụng rất tiện lợi, bạn sử dụng như pha trà. Tuy nhiên, lại mất đi một số hoạt chất quan trọng để hỗ trợ điều trị bệnh.
* Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!