Cơn khát tiêu tiền mới của giới tỷ phú toàn cầu

09:51 20/11/2021

Nhu cầu mua du thuyền sang trọng, biệt thự tiền tỷ và máy bay tư nhân của giới lắm tiền nhiều của tăng vọt ngay giữa đại dịch.

Chiếc Global 5500 hiện là một trong những loại máy bay đáng giá nhất hành tinh
Chiếc Global 5500 hiện là một trong những loại máy bay đáng giá nhất hành tinh. (Ảnh: Bombardier)

Bombardier Inc, nhà sản xuất máy bay phản lực của Canada đã cho ra mắt phiên bản máy bay tốc độ cao chuyên chở VIP, Global 5500 với tốc độ 594 dặm/giờ và có khả năng bay liên tục không cần ngừng nghỉ từ Los Angeles tới Moscow. Có giá bán khoảng 45 triệu đô la, chiếc máy bay phản lực đắt giá có thể dễ dàng tiếp đất ngay cả những địa hình khó khăn nhất cũng như chứa được số lượng lớn hành khách.

Michael Spencer, tỷ phú sáng lập NEX Group cũng đã đầu đầu tư một chiếc Global 5500 trong năm nay. Ông là một trong số ít những người may mắn có cơ hội sở hữu máy bay phản lực đời mới trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh còn nguồn cung thì khan hiếm. Christopher Marich, đồng sáng lập MySky, một nền tảng quản lý trực tuyến dành cho chủ sở hữu máy bay chia sẻ: "Thị trường máy bay đắt tiền nói riêng và tài sản giá trị lớn nói chung đang trở về đúng như vị trí trước kia. Cứ mỗi phi cơ được bán ra thì sẽ có hai hoặc ba người tìm mua các dòng phổ biến".

Cơn khát máy bay xa xỉ chỉ là một trong những ví dụ gần đây nhất cho thấy sự bùng nổ của nền kinh tế do các tỷ phú dẫn đầu cũng như mong muốn thỏa mãn thú tiêu tiền đắt đỏ bằng các biệt thự, du thuyền, bộ sưu tầm quý hiếm đã vượt qua mức trước đại dịch. Theo nghiên cứu từ SuperYacht Times, số lượng siêu du thuyền bán ra giữa tháng 10 năm nay tăng khoảng 60% lên đến 523 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. 

Siêu du thuyền Sanlorenzo 57
Siêu du thuyền Sanlorenzo 57. (Ảnh: Sanlorenzo)

Trong khi đó giá bất động sản không hề hạ nhiệt, thậm chí những mảnh đất được định giá đắt nhất trên thế giới chưa từng giảm dù chỉ một đồng. Nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andresseen đã chi 177 triệu đô la cho một bất động sản ở Malibu. Chuyên gia tài chính nổi tiếng nước Mỹ Leon Black trả con số khiêm tốn hơn chỉ khoảng 28 triệu đô la để mua biệt thự tại một trong những khu vực đắt nhất thủ đô London. Paul Welch, nhà sáng lập MillionPlus.com, một nền tảng chuyên về tài sản xa xỉ cho biết: "Giới tài phiệt thực thụ của thế giới dường như một lần nữa khao khát du lịch trở lại, kéo theo những nhu cầu mua sắm tiền tỷ. Tôi có vài khách hàng từ Indonesia, Canada và Hồng Kông tìm mua bất động sản ở London". Đằng sau những tài sản xa xỉ bậc nhất là các tỷ phú, các "gã khổng lồ" như Ineos, Jim Ratcliffe, Andy Currie and John Reece. Các chủ doanh nghiệp trên đã mua ít nhất hai chiếc máy bay phiên bản Gulfstream jets và một chiếc trực thăng Airbus SE kể từ năm 2020. Đây cũng là nhóm giàu có hiện sở hữu hơn sáu loại máy bay bao gồm một chiếc Gulfstream G600 có giá niêm yết khoảng 55 triệu đô la.

Trong bối cảnh đại dịch phức tạp, nhu cầu đi lại và du lịch của người dân bị kiềm chế, sở thích tiêu tiền cho các món "đồ chơi" đáng giá cả trăm triệu đô la cứ thế nhân lên. Theo thống kê của Bloomberg, top 500 người giàu nhất thế giới đã ghi nhận tổng số tài sản ròng gia tăng thêm 1,2 nghìn tỷ đô la tính đến tháng 10 năm nay. Nhờ vậy, năm 2021 xuất hiện hàng tá những người giàu mới nổi lên từ các đợt niêm yết, SPAC, tiền ảo,... nhưng đồng thời cũng làm tăng thêm một vài món nợ khủng. Chẳng hạn như Spencer đã vay tiền từ Credit Suisse Group AG để mua máy bay Bombardier đời mới. Các ngân hàng lớn như Morgan Stanley, Bank of America Corp và JPMorgan Chase & Co đều báo cáo vay nợ để chi tiêu cho các tài sản đáng giá từ vài chục đến vài trăm triệu đô cao hơn trong năm nay.  

Bên trong chiếc Global 5500
Bên trong chiếc Global 5500. (Ảnh: Bloomberg)

Tại Mỹ, thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp máy bay phản lực cũng ghi nhận các sáng kiến hỗ trợ thuế cho người mua máy bay. Chẳng hạn theo luật thuế quốc gia năm 2017, chủ sở hữu sẽ được hoàn thuế đầy đủ tính theo giá trị của máy bay mới. Tại hai khu vực châu Âu và châu Á, nhu cầu mua máy bay phần lớn đến từ các nước đã mở cửa trở lại đường biên giới. Tính trên toàn cầu, số chuyến du lịch bằng máy bay riêng cao hơn 19% so với tháng 10 năm 2019.

Theo các nhà quan sát, nhu cầu bùng nổ mới của giới tài phiệt sẽ có thêm vài lần chạm đỉnh, mặt khác làm sâu sắc thêm khoảng cách giàu nghèo và một lần nữa dấy lên vấn đề đánh thuế tỷ phú ở Mỹ. Không chỉ diễn ra ở cường số số một thế giới mà tại Trung Quốc, xu hướng này đẩy bất bình đẳng quốc gia đến cực điểm ngay trong bối cảnh đất nước tiến tới hiện thực hóa tham vọng "thịnh vương chung". Số lượng máy bay ngày càng gia tăng cũng khiến các nhà hoạt động môi trường đau đầu vì lượng khí thải carbon, khí thải nhà kính tăng lên nhanh chóng kể từ khi các đường bay thương mại được phép hoạt động. Marich của MySky nhận định: "Ngày càng nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để mua máy bay. Giới tỷ phú ngày nay đã giàu còn giàu hơn".

TL