Jollibee là một câu chuyện thành công phi thường, bởi chỉ từ 2 cửa tiệm nhỏ được hình thành vào năm 1975, chuyên bán các món ăn nóng và bánh mì kẹp đã phát triển thành 7 cửa hàng vào năm 1978, chuyên về burger. Sau đó trở thành một tập đoàn tạo nên cuộc cách mạng thức ăn nhanh tại Philippines.
Jollibee được xem là một trong những chuỗi nhà hàng phát triển nhanh nhất châu Á với hơn 1.000 cửa hàng tại Philippines và hơn 400 cửa hàng tại các quốc gia trên khắp thế giới như Mỹ, Hong Kong, các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar, Brunei, Trung Quốc, và Việt Nam.
Đứng đằng sau thành công của Jollibee là nhà sáng lập Tony Tan Caktiong, người sở hữu khối tài sản trị giá hơn 2 tỷ USD và là một trong 10 người giàu nhất tại Philippines, theo bảng xếp hạng Real Time của Forbes.
Xuất phát điểm với một hàng kem nhỏ không tên tuổi
Tony Tan sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông là con thứ 3 trong gia đình 7 anh em. Cha ông là người phục vụ bếp tại một nhà hàng và cũng là đầu bếp trong một tu viện Phật giáo ở Manila, Philippines. Với kinh nghiệm về ẩm thực, gia đình Tony Tan đã mở một nhà hàng ở thành phố Davao, miền Nam Philippines.
Từ bé Tony Tan đã có năng khiếu trong việc đánh giá món ăn. Ông từng kể với phóng viên rằng: “Mẹ tôi nói rằng tôi là đứa khó nuôi nhất nhà vì khó tính trong chuyện ăn uống”.
Tony Tan từng theo học ngành kỹ sư hóa chất. Năm 22 tuổi, ông có cơ hội tham quan một nhà máy sản xuất kem và cuộc đời ông dường như thay đổi từ đó. Với số tiền tiết kiệm của gia đình, Tony Tan chi 7.000 USD để mua nhượng quyền kinh doanh thương hiệu kem Magnolia Ice Cream. Sau đó, ông mở 2 cửa hàng kem ở Manila, một ở Cubao và một tại Quiapo, Philippines.
Tới cuối những năm 1970, ông quyết định chuyển sang kinh doanh hamburger sau khi nhận thấy tiềm năng của dòng sản phẩm này. Ông đã tìm mua tất cả các loại burger ở Manila để đánh giá và nắm bắt khẩu vị của thị trường. Hiện tại, người sáng lập Jollibee vẫn tiếp tục thử nghiệm theo cách thức như vậy nhưng trên phạm vi toàn cầu.
Thương hiệu Jollibee lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng vào năm 1978. Tuy nhiên ban đầu, tên của cửa hàng chỉ đơn giản là Jolibe. Sau đó, tên gọi này đã được thay đổi giống với tên gọi hiện tại với phát âm không thay đổi nhưng đã có sự bổ sung thêm các chữ viết. Jollibee là sự kết hợp ý nghĩa của 2 từ “Jolly” (vui vẻ) và “Bee” (chú ong), với mục tiêu khiến thương hiệu này dễ được nhận diện hơn.
Bỏ ngoài tai nhiều lời khuyên bỏ cuộc
Khi khai trương cửa hàng Jollibee đầu tiên, món ăn chủ đạo của quán là món hamburger có tên Yumburge. Món ăn này đã giúp Jollibee thu hút được lượng lớn khách hàng bởi vị ngon bùng nổ của nó.
Tiếp nối khởi đầu thành công, ông Tony Tan tiếp tục đưa thêm nhiều món mới như gà rán, mỳ spaghetti và món ăn bản địa Philippines vào thực đơn. Khi Jollibee có 5 cửa hàng, Tony Tang đã bày tỏ với các cộng sự rằng ông muốn xây dựng một công ty thực phẩm lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Jollibee lúc bấy giờ là thương hiệu McDonald’s gia nhập thị trường Philippines vào năm 1981. Sự góp mặt của McDonald's tại Phillippines đe đọa đến doanh thu của công ty. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, nó lại là động lực giúp 2 nhà sáng lập Jollibee đưa thương hiệu ra ngoài thế giới.
“Khi biết McDonald's sắp thâm nhập thị trường trong nước, bạn bè khuyên tôi không nên trở thành đối thủ cạnh tranh với công ty đa quốc gia số 1 thị trường thức ăn nhanh và hơn hết, đó lại là công ty phát minh ra hamburger", Tony Tan chia sẻ.
Thế nhưng nhà sáng lập thương hiệu Jollibee quyết định không bỏ cuộc, thay vào đó ông lên một bản kế hoạch để “chiến đấu” với thương hiệu đến từ Mỹ. Ông tận dụng sự hiểu biết về khẩu vị của người Philippines làm vũ khí đối đầu với McDonald’s. May mắn thay, những món ăn phù hợp với khẩu vị tại Jollibee khiến người Philippines ngày càng yêu thích chuỗi ăn nhanh này.
Thành công vượt ngoài mong đợi
Thừa thắng xông lên, Jollibee bắt đầu có những cửa hàng nhượng quyền thương hiệu đầu tiên vào năm 1979. Tính đến năm 1981, có tổng cộng 10 cửa hàng mang thương hiệu Jollibee.
Chỉ 4 năm sau đó, Jollibee trở thành công ty đứng đầu trên thị trường trong nước. Thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của công ty bắt đầu từ những năm cuối của thập niên 80. Doanh thu của Jollibee tăng gấp 2 lần trong giai đoạn 1987-1989. Kỳ tích này lặp lại trong năm 1991 và mức tăng trưởng kỷ lục lên đến 300% được ghi nhận vào năm 1996.
Không dừng lại thị trường trong nước, ông Tony Tan tham vọng phát triển thương hiệu của mình ở khắp nơi trên thế giới.
Tính đến năm 1995, công ty này đã có sự hiện diện rộng khắp khi có mặt tại một loạt các địa điểm như đảo Guam, Dubai, Kuwait và Ả Rập Saudi. Jollibee gia nhập thị trường Mỹ từ năm 1998 và gần đây, thương hiệu cũng chính thức xuất hiện tại Qatar, Singapore, Bahrain, Italia và cả Anh.
Cửa hàng Jollibee đầu tiên được mở tại Việt Nam vào năm 1996. Tháng 12/2011, tập đoàn này đã sáp nhập thêm 2 thương hiệu F&B Việt Nam chuyên về kinh doanh nhà hàng và cà phê là Highlands Coffee và Phở 24.
Dù thành công lớn với Jollibee, Tony Tan cũng vấp phải không ít thất bại cay đắng. Câu chuyện vị doanh nhân đưa Jollibee từ một cửa hàng gà rán trở thành chuỗi đồ ăn nhanh hàng đầu, đánh bại cả “ông lớn” McDonald’s tại Philippines vẫn luôn được xem là minh chứng cho sự bền bỉ, tư duy nhanh nhạy của vị tỷ phú này.
H.C (t/h)