Ông Lê Đức Thiện nói: Việt Nam hiện là một trong những thị trường sôi động nhất của thế giới về mảng đầu tư tài chính. Tuy nhiên, tôi nhận thấy một vấn đề khá nghiêm trọng là đa phần người đang tham gia đầu tư tài chính lại có rất ít hiểu biết về cái mà mình đầu tư. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo có thể dễ dàng thực hiện hành vi, hoặc kể cả khi lựa chọn được nền tảng đầu tư tốt thì việc thiếu kiến thức sẽ khiến nhà đầu tư có những quyết định mua bán sai thời điểm, sai xu hướng…tất cả đều dẫn tới rủi ro mất tiền.
"Tôi nghĩ rằng, vẫn cần nhiều năm nữa để khắc phục được tình trạng này và sự góp sức của các chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực này là vô cùng quan trọng", ông Lê Đức Thiện cho biết.
Hiện có không ít người gia nhập vào các hội nhóm do một số người tự xưng là chuyên gia rồi đầu tư theo chỉ dẫn của họ nhưng rồi mất tiền, thực chất đấy là các ổ nhóm lừa đảo. Ông có thể nêu một số dấu hiệu nhận biết của những hội nhóm như vậy?
Đúng là tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến và tinh vi, nếu nhà đầu tư không tỉnh táo và hiểu biết thì rất dễ rơi vào bẫy. Có một số dấu hiệu sau nếu bắt gặp thì chúng ta cần hết sức đề phòng:
- Quảng cáo các nền tảng đầu tư không chính thống, chưa được pháp luật công nhận: Không phải 100% các nền tảng này đều xấu nhưng vì nó chưa được điều chỉnh bởi pháp luật nên rất dễ bị lợi dụng để lừa đảo.
- Lời hứa lợi nhuận cao không thực tế: Những người này thường hứa hẹn mức lợi nhuận cực kỳ cao trong thời gian ngắn, thậm chí là không có rủi ro. Trong thực tế, đầu tư tài chính luôn đi kèm với rủi ro, không có một chuyên gia uy tín nào lại đưa ra những cam kết lợi nhuận không có cơ sở như vậy.
- Thiếu thông tin minh bạch: Họ thường không cung cấp đầy đủ thông tin về bản thân, kinh nghiệm, hoặc quá trình làm việc. Các thông tin như địa chỉ văn phòng, giấy phép hoạt động, và các chứng chỉ chuyên môn thường rất mơ hồ hoặc không tồn tại.
- Yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân: Những người lừa đảo thường yêu cầu bạn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc tài khoản không chính thức, thay vì vào các tài khoản doanh nghiệp hoặc thuộc tổ chức tài chính uy tín.
- Không thể kiểm chứng thông tin: Bạn sẽ không tìm thấy thông tin về chuyên gia hoặc các nền tảng đó trên những website có uy tín, ví dụ như các cơ quan báo chí mà chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội.
Thông thường người muốn học về đầu tư tài chính là những người đang thiếu kiến thức nên khó tự thẩm định một chuyên gia nào đó có chuyên môn hay không? Làm thế nào để lựa chọn được những chuyên gia giỏi, uy tín?
Bản thân tôi để có được như ngày hôm nay thì cũng đã phải học tập rất nhiều từ các chuyên gia khác nhau, vì vậy tôi cũng có một số kinh nghiệm trong việc lựa chọn chuyên gia như sau:
- Nếu họ đang nắm giữ vị trí quan trọng trong những doanh nghiệp, tổ chức uy tín thì điều đó cho thấy họ là người có năng lực thực sự.
- Nếu họ đang sở hữu những cộng đồng lớn, những kênh mạng xã hội có nhiều người theo dõi, thời gian hoạt động lâu năm và số lượng học viên lớn thì cũng cho thấy họ là người giỏi và có uy tín.
- Nếu họ thường xuyên xuất hiện trên các báo, tạp chí, kênh truyền hình dưới vai trò chuyên gia của đúng lĩnh vực đó thì là một điều quá tốt.
- Và điều cuối cùng, đó là chúng ta cần học thử các buổi miễn phí trước, để tự mình cảm nhận xem người đó có chuyên môn thật hay không, và cách truyền đạt kiến thức của họ có hợp với mình hay không cũng là điều vô cùng quan trọng.
Ông sẽ trả lời thế nào khi ai đó hỏi: Nếu ông giỏi về đầu tư tài chính thì tại sao không tự đầu tư mà lại đi đào tạo người khác? Theo ông, để có thể thành công, kiếm được tiền khi đầu tư tài chính thì vai trò của các nhà đào tạo đến đâu và vai trò tự thân của nhà đầu tư là như thế nào?
Tôi thấy câu hỏi này rất thú vị, nó giống như câu hỏi là “Tại sao các giáo sư, tiến sĩ kinh tế không đi làm kinh tế cho giàu mà lại đi giảng dạy trong các trường đại học làm gì?” (cười). Ở đây có mấy ý như sau:
Thứ nhất là, tại sao bạn nghĩ rằng tôi đang không đi đầu tư? Giống như làm sao bạn có thể chắc chắn rằng các giáo sư, tiến sĩ kinh tế họ đang không làm kinh tế? Hiện tại tôi đang đầu tư rất nhiều và trải dài trên nhiều lĩnh vực và tất cả đã có chiến lược, kế hoạch cụ thể và thậm chí là có bộ máy vận hành tự động rồi nên tôi vẫn còn rất nhiều thời gian để làm các việc khác.
Thứ hai là, đào tạo cũng là một cái nghề và thậm chí là những người giỏi nghề này còn có thể kiếm rất nhiều tiền, nhiều tiền không kém so với đi đầu tư hay làm các công việc kinh doanh khác.
Thứ ba là, tôi nghĩ rằng tất cả những người làm đào tạo họ đều có sự đam mê nhất định với nghề. Ở đây là đam mê cống hiến, đam mê chia sẻ, đam mê làm một điều gì đó có giá trị cho xã hội và giúp đỡ được nhiều người… Khi chúng ta có nhiều tiền rồi, chúng ta sẽ thấy những giá trị này có khi còn lớn hơn cả tiền bạc.
Tuy nhiên, để thành công khi đầu tư tài chính, tôi nghĩ rằng vai trò của người đào tạo chỉ chiếm khoảng 50%, còn 50% còn lại phụ thuộc vào chính bản thân của nhà đầu tư. Nếu chúng ta không chăm chỉ học tập, nghiên cứu, thực hành, thường xuyên rút kinh nghiệm và kỉ luật bản thân, thì dù thầy có giỏi đến mấy cũng không thể giúp chúng ta thành công được.
Nhiều người thường nói mỗi kênh đầu tư tài chính cần có chiến lược riêng. Theo ông điều này có đúng không và nó là gì?
Điều này hoàn toàn đúng. Nó cũng giống như việc chúng ta không thể mang kĩ năng môn bơi lội sang áp dụng cho môn điền kinh được, mặc dù nó đều là môn thể thao và cần có sức khỏe, sự dẻo dai.
Khi một người đã từng đầu tư chứng khoán, hay forex, crypto, thì tất nhiên họ đã có những nền tảng nhất định, việc họ tiếp thu cái mới như lĩnh vực hàng hóa sẽ dễ dàng hơn, nhưng không có nghĩa là họ hoàn toàn đem những kiến thức kinh nghiệm ở các mảng kia để áp dụng 100% vào đây và nghĩ rằng như vậy sẽ thành công được. Bất cứ lĩnh vực gì cũng đều có những điểm đặc thù riêng của nó, và cần chúng ta dành thời gian học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu. Còn cụ thể nó là gì thì các bạn tham gia các khóa học của tôi thì sẽ biết nhé! (cười).
Xin cảm ơn ông!
“Muốn ăn nhiều thì… ăn ít thôi”
Ông Lê Đức Thiện là một chuyên gia đào tạo về đầu tư tài chính nói chung và là một trong những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về đầu tư hàng hóa phái sinh. Ông hiện là Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Pro-Invest, kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi - đơn vị thành viên tiêu biểu của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Câu châm ngôn về đầu tư yêu thích là: “Bạn muốn ăn nhiều ư? Vậy thì hãy ăn ít đi, vì như thế bạn mới sống được lâu để ăn nhiều”.
Phan Thanh (thực hiện)