Toàn cảnh hội nghị
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân đã phát biểu xoay quanh những vấn đề như: Thời cơ và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam sau đại dịch Covid-19; một số khuyến nghị liên quan tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo Quyết định số 100 của Thủ tướng chính phủ; vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ; vấn đề khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định 13 về hỗ trợ doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) phát biểu tại Hội nghị
TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Vinasme cho rằng: "Việt Nam là một trong số ít quốc gia sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19, nhưng doanh nghiệp vẫn chịu tác động tiêu cực bởi chuỗi giá trị toàn cầu bị “đứt gãy”. Giải pháp cho vấn đề này là thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng điều hành của Chính phủ và năng lực sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ của doanh nghiệp và người dân trong nước. Chúng ta thấy rõ tác động của khoa học công nghệ trong thời kỳ Covid-19 là rất đáng kể, quan trọng là toàn xã hội cùng tham gia một cách tự nguyện, do đó Bộ Khoa học và Công nghệ nên đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia để bắt kịp với xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chẳng hạn như: Cho phép các thành phần kinh tế tham gia vào cơ chế thí điểm (sandbox) công nghệ tài chính (Fintech) để phát triển các thị trường tài chính thứ cấp như Crowd funding, P2P lending hoặc leasing; xây dựng một bộ giải pháp chuyển đổi số tổng thể, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam để tích hợp các hệ thống quản trị nhằm nâng cao năng lực điều hành, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; ban hành một bộ tiêu chuẩn doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để các nhà đầu tư và ngân hàng có thể tham chiếu tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp trước khi đưa ra phương án rót vốn hoặc cho vay".
Đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Thân đã đưa ra một số khuyến khị cơ bản:
Về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, ông đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện mục tiêu năm 2020 tại Quyết định số 100 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trong một khoảng thời gian ngắn, đã có 44/63 địa phương tiến hành các hoạt động triển khai Đề án, tuy nhiên số lượng tỉnh, thành đã triển khai truy xuất nguồn gốc còn tương đối hạn chế (7 địa phương). Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng đang vận hành thành công cổng truy xuất nguồn gốc Nông, Lâm, Thủy sản Check.net.vn, nhưng có một thực trạng là việc truy xuất nguồn gốc vẫn phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện của người dân và doanh nghiệp, mà chưa có tính ràng buộc. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý và đưa truy xuất nguồn gốc trở thành một khâu bắt buộc trong sản xuất để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia hiệu quả vào các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.
Về quyền sở hữu trí tuệ, TS Nguyễn Văn Thân đánh giá rằng mặc dù Bộ Khoa học và Công nghệ đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, nhưng doanh nghiệp vẫn mong muốn thời gian cấp văn bằng sở hữu trí tuệ sẽ nhanh hơn hiện nay. Trong giải quyết tranh chấp, Hiệp hội DNNVV đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ sớm làm việc với các bộ, ban ngành liên quan để thành lập ra tòa án chuyên trách xử lý các vụ án liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, vì thực tế các tòa án dân sự tại nước ta đang hoạt động thiếu hiệu quả trong lĩnh vực này.
Về khởi nghiệp sáng tạo, ông nhận định các doanh nghiệp sở hữu ý tưởng đổi mới thường tìm đến các quỹ đầu tư tư nhân để kêu gọi vốn, trong khi đó các quỹ đầu tư Nhà nước còn tương đối “vắng khách”. Bộ KHCN có 2 quỹ là Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, tuy nhiên cả 2 quỹ vẫn đang hoạt động như các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khác mà thiếu đi một cơ chế đặc thù, nhất là việc hướng dẫn về quản lý nguồn vốn cho vay; bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ lãi suất; hay chính sách huy động nguồn vốn ngoài ngân sách. Do đó, chúng tôi đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ sớm “cải tổ” cơ chế hoạt động cho cả 2 quỹ này để hỗ trợ được nhiều hơn các doanh nghiệp khoa học công nghệ đang có nhu cầu về vốn.
Nhằm nâng cao năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư mạnh mẽ hơn cho nghiên cứu và ứng dụng mô hình công nghệ tiên tiến mới như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và người máy… để tạo điều kiện hình thành nên các “nhà máy thông minh” trong tương lai.
Thu Giang - Thảo Trang - Bảo Trinh