Quản lý thị trường Hà Nội giới thiệu đến người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật - giả tại hội chợ hàng Việt 2017. Ảnh: Lê Nam
Ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp
Vừa qua, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 Chi cục QLTT Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện 2.000 bóng đèn huỳnh quang compact nhập lậu từ Trung Quốc giả mạo nhãn hiệu Rạng Đông. Về cảm quan, bóng đèn giả bị thu giữ trông giống gần như thật, chỉ khi đại diện công ty mở hộp kiểm tra sản phẩm mới phát hiện bảng mạch sử dụng công nghệ khác.
Thực tế, công tác chống hàng giả, gian lận thương mại trong thời gian qua của các lực lượng chức năng thiếu sự quyết liệt dẫn đến vi phạm tràn lan từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các DN kinh doanh lớn. Điển hình như vụ việc Tập đoàn Khải Silk nhập khẩu, cắt, thay mác sản phẩm Trung Quốc thành hàng Việt Nam; hay như Miniso, Mumuso và gần đây là Con Cưng cũng đang đối diện với nghi án mập mờ nguồn gốc xuất xứ của thương hiệu, sản phẩm.
Kết quả kiểm tra Mumuso của Bộ Công Thương cho thấy 99,3% hàng hóa tại Mumuso được sản xuất từ Trung Quốc nhưng được gắn mác Hàn Quốc. Không chỉ Mumuso bị phát hiện bán 99,3% hàng Trung Quốc, người tiêu dùng còn tố hàng loạt thương hiệu khác như Miniso, Daiso, Yoyoso… cũng bán rất nhiều hàng hóa “Made in China”. Mới đây, nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ khác như hệ thống hàng hiệu xuất khẩu Torano cũng bị tố cáo bán "đồ fake" (hàng nhái).
Bên cạnh đó, lợi dụng thương mại điện tử đang phát triển nhiều cá nhân công khai hàng SuperFake, hàng Fake 1, Fake 2 trên shop bán hàng online tại website thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo... Thế nhưng, số vụ xử phạt trên môi trường số không nhiều đã khiến không ít khách hàng dần mất lòng tin vào các sàn thương mại điện tử Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng phải thừa nhận, buôn bán hàng qua mạng internet rất nhộn nhịp nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, dẫn đến hàng giả, hàng kém chất lượng có đất sống, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…
Rốt ráo xử lý tận gốc
Mặc dù tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại diễn ra trên diện rộng, tuy nhiên sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có phần chậm trễ, thiếu kiên quyết; trong khi các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động một cách cầm chừng, thiếu hiệu quả. Mặt khác, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi như "buôn bán, sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa..." mới chỉ dừng lại ở con số vài chục triệu đồng như hiện nay được đánh giá là thấp, không đủ sức răn đe.
Để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại tại Hà Nội, mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chỉ đạo Chi cục QLTT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các kế hoạch liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Giao Công an TP Hà Nội nắm tình hình các địa bàn trọng điểm, triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng vận chuyển, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... Các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề nghị các hộ kinh doanh, DN ký cam kết không buôn bán, sản xuất hàng giả, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm.
“Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực xử lý nhưng do hàng có giá rẻ, gia công với chi phí thấp nên vẫn hấp dẫn cung - cầu, cơ quan quản lý khó ngăn chặn được triệt để. Một số hàng hóa có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng bày bán công khai song khó xử lý vì không có chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không tích cực hợp tác”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức
Lê Nam