Chọn lọc và cẩn trọng khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

19:33 12/11/2021

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng khi quyết định lựa chọn các trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để đầu tư.

723 đợt phát hành TPDN

Ra đời từ năm 2000 nhưng từ năm 2018 đến nay, thị trường TPDN mới bắt đầu có sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DN trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm. Đặc biệt, từ đầu năm 2021, sau khi các nghị định liên quan đến TPDN chính thức có hiệu lực, thị trường TPDN đã đạt được một số kết quả.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2021, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 357.000 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành TPDN ra công chúng là 17.375 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2020. Trên thị trường TPDN riêng lẻ, tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất chiếm 37,3%, các DN bất động sản chiếm 31,1%. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua sơ cấp TPDN riêng lẻ giảm mạnh so với năm 2020, cụ thể, đối tượng này đã mua 5,5% khối lượng phát hành trong 9 tháng đầu năm 2021 trong khi cả năm 2020 là 12,7%.

Thị trường TPDN tăng mạnh trong thời gian qua nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Thị trường TPDN tăng mạnh trong thời gian qua nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm có tổng cộng 723 đợt phát hành TPDN trong nước, trong đó có 705 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 422,45 nghìn tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành. Bên cạnh đó, có 18 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 15,55 nghìn tỷ đồng, chiếm 4% tổng giá trị phát hành và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1,425 tỷ USD.

Trong 10 tháng đầu năm, nhóm bất động sản hiện đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 163,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,4%. Trong đó có khoảng 27,56% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ hai với tổng khối lượng phát hành 149,1 nghìn tỷ đồng. Cùng trong 10 tháng qua, có 4 đợt phát hành TPDN ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, cùng với xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, trên thị trường TPDN vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân DN, nhà đầu tư và thị trường nói chung. Vấn đề này cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã nhiều lần khuyến cáo.

Theo Bộ Tài chính, bên cạnh kết quả đạt được, qua công tác quản lý giám sát cho thấy thị trường còn một số vấn đề cần lưu ý: phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu DN. Giá trị của các tài sản đảm bảo này chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường. Một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua TPDN phát hành riêng lẻ. Bên cạnh đó, có DN phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Các rủi ro chính khi đầu tư vào thị trường TPDN đã được ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinRatings chỉ ra gồm: rủi ro tín dụng khi tổ chức phát hành TPDN không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn; rủi ro thanh khoản khi nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá như kỳ vọng hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu; rủi ro do định giá lãi suất, lãi suất cao nhưng rủi ro lớn, không tương xứng với lãi suất; những rủi ro khác (bao gồm rủi ro mua lại, tái đầu tư, lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế, các thương vụ mua bán sáp nhập, thảm họa hay đại dịch)…

“Để phòng tránh rủi ro, nhà đầu tư cần sử dụng tư vấn chuyên nghiệp, tự đánh giá rủi ro nếu có khả năng, đa dạng hóa kênh đầu tư cùng đặc điểm như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí…”, ông Nguyễn Quang Thuân nói.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trên thực tế, chỉ số ít TPDN được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành, đồng nghĩa rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu DN phát hành vỡ nợ. Lượng trái phiếu đang hiện hành chủ yếu không có tài sản bảo đảm, hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu, trong khi, cổ phiếu biến động theo thị trường. Trong trường hợp là tài sản bảo đảm khác thì nhà đầu tư cũng không có quyền lực để thu giữ tài sản bảo đảm như ngân hàng. Thậm chí, khi DN bị vỡ nợ, người mua trái phiếu sẽ nằm gần như cuối cùng trong danh sách thứ tự ưu tiên thanh toán tài sản bảo đảm. Theo đó, chuyên gia này khuyến cáo, trong giai đoạn nền kinh tế đang rất khó khăn, đây là thời điểm nhà đầu tư cần chọn lọc và cẩn trọng, không phải lúc để bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá.

Theo Bộ Tài chính, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng, đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Đồng thời, nhà đầu tư đặc biệt lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. “Việc các tổ chức cung cấp dịch vụ phân phối TPDN không có nghĩa là họ đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào TPDN. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc DN có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành”, Bộ Tài chính khuyến nghị.

Theo TCHQ