Tuần trước, gã khổng lồ thiết bị viễn thông đại lục bất ngờ tung ra smartphone Mate 60 Pro, sử dụng vi xử lý tiên tiến sản xuất trên tiến trình 7 nanomet (nm) ngay trong thời điểm Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đang có chuyến thăm Trung Quốc và Bắc Kinh chuẩn bị công bố thành lập quỹ hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn trị giá 40 tỷ USD.
Những phát hiện của TechInsights, công ty phân tích linh kiện điện tử, trụ sở Ottawa, cũng là đơn vị đầu tiên “mổ bụng” sản phẩm mới nhất của Huawei, cho thấy Trung Quốc đạt được tiến bộ nhất định trong chế tạo chip cao cấp ngay cả khi Mỹ áp đặt nhiều hạn chế xuất khẩu sâu rộng nhằm vào thiết bị đúc chip tiên tiến.
Theo Bloomberg, những đột phá mới trong sản xuất chip của Huawei đang làm dấy lên hoài nghi về tính hiệu quả của lệnh trừng phạt Mỹ dành cho Trung Quốc.
Mới đây, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan từ chối bình luận về chip cho đến khi Mỹ có thêm thông tin chính xác về bộ xử lý trong Huawei Mate 60 Pro. Theo Công ty nghiên cứu TechInsights ở Mỹ, loại chip mới được chế tạo bởi nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC.
Ngoài ra, ông Sullivan cho biết, Mỹ nên tiếp tục thực hiện chiến lược "sân nhỏ, rào cao" nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ, tập trung vào mối lo ngại an ninh quốc gia thay vì tách rời thương mại với Trung Quốc.
Một số nhà phân tích gợi ý, nếu được sản xuất số lượng lớn, Mate 60 Pro sẽ đe dọa iPhone tại đại lục. Theo Edison Lee của hãng Jefferies, doanh số iPhone thế hệ mới có thể giảm 38% vì đối thủ đến từ Huawei.
Huawei ra mắt smartphone cao cấp mà không tổ chức sự kiện chính thức. Tin tức về con chip và tốc độ kết nối không dây nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội khi tinh thần yêu nước càn quét khắp Weibo và các mạng xã hội khác.
Không chỉ Huawei, hãng chip SMIC cũng bị chú ý. Với con chip Kirin 9000s, SMIC được cho là đang âm thầm giúp Huawei vượt qua lệnh cấm vận của Mỹ.
Nhà phân tích Edison Lee cho rằng, tiến bộ của SMIC có thể gây tranh luận về tính hiệu quả của các đòn trừng phạt tại Mỹ. Một số giả thuyết được đưa ra là SMIC sử dụng thiết bị quang khắc tia cực tím sâu (DUV) để sản xuất chip 7nm, hoặc chip Kirin 9000s đến từ kho chip bí mật do Huawei phát triển.
“Rõ ràng là ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò vô cùng chiến lược với mọi quốc gia trên thế giới. Xét đến căng thẳng địa chính trị, mỗi nước đều cố gắng hết sức để ổn định và cải thiện hoạt động của chính họ”, Ajit Manocha – CEO Tập đoàn công nghiệp SEMI – trả lời trên Bloomberg TV. “Vì vậy, tôi không ngạc nhiên nếu Trung Quốc nỗ lực trong nhiều năm”.
Nhà phân tích Dan Hutcheson của TechInsights cho biết, việc Huawei bất ngờ tung ra smartphone Mate 60 Pro sử dụng vi xử lý tiên tiến sản xuất trên tiến trình 7 nanomet thể hiện ngành bán dẫn của Trung Quốc có thể đạt được tiến bộ công nghệ chip mà không cần công cụ EUV. Điều này nói rõ khả năng phục hồi của Trung Quốc về năng lực công nghệ chip. Đây là một thách thức lớn về địa chính trị đối với các nước đang cố gắng hạn chế Trung Quốc trong tiếp cận lĩnh vực quan trọng này.
EUV đề cập đến kỹ thuật in thạch bản cực tím, được sử dụng để chế tạo chip có kích thước 7 nanomet trở lên.
Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies cũng chỉ ra, phát hiện của TechInsights có thể kích hoạt một cuộc điều tra của Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ. Vấn đề đang làm dấy lên tranh luận ở Mỹ về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt, cũng khiến Quốc hội Mỹ đưa các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn trong dự luật cạnh tranh mà họ đang chuẩn bị. Họ cho biết trong một báo cáo: “Nhìn chung, cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung có thể sẽ leo thang”.
Giáo sư kỹ thuật điện tại Đại học Đài Loan Lin Tsung-nan nhận định, Huawei hiện thử nghiệm ranh giới đỏ của Mỹ, nếu Mỹ không có bất kỳ hành động nào, Huawei và các nhà cung cấp chip khác sẽ khiến lệnh trừng phạt sụp đổ.
Phương Linh (T/h)