Lụa đũi thủ công thường dành cho người có gu, rất khó có thể sử dụng trà đại. Mỗi tấm lụa tơ tằm được tạo ra qua 90 ngày kỳ công, với gần 20 công đoạn – từ nuôi tằm, kéo sợi, đến dệt và nhẹ từ đôi bàn tay chai sạn của các nghệ nhân. Nguồn ảnh: FB Hanhsilk |
Trong nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, Việt Nam đã đạt được cột mốc kỷ lục với kim ngạch xuất khẩu nông sản chạm ngưỡng 60 tỷ USD trong năm nay. Trong thành tích ấn tượng này, hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã góp phần quan trọng nhờ vào việc khai phá thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), một trong những yếu tố giúp hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP chinh phục khách hàng quốc tế chính là những câu chuyện độc đáo gắn liền với văn hóa và truyền thống của từng vùng miền. Những câu chuyện này được trình bày một cách sáng tạo trong các sự kiện xúc tiến thương mại, tạo ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người tiêu dùng.
Từ cuối năm 2023, Việt Nam lần đầu tiên tham gia triển lãm thủ công mỹ nghệ lớn nhất thế giới tại Milan (Italy) với gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ. Ngay sau sự kiện, những sản phẩm như tơ lụa, mây tre đan đã thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế và đạt được những đơn hàng đầu tiên.
Du khách nước ngoài đến với làng nghề lụa đũi Nam Cao từ những câu chuyện về văn hóa truyền thống. Nguồn ảnh FB Hanhsilk |
Công tác xúc tiến thương mại hiện nay không chỉ dừng lại ở các hội chợ triển lãm truyền thống, mà còn kết hợp với các sự kiện văn hóa để tăng cường độ lan tỏa. Bên cạnh đó, việc khai thác các nền tảng mạng xã hội cũng được quan tâm. Từ năm 2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã ký kết hợp tác với TikTok Việt Nam để tổ chức chợ phiên OCOP trên nền tảng trực tuyến, tạo ra độ lan tỏa mạnh mẽ.
Ngoài ra, những nghệ nhân làng nghề đã bắt đầu kể câu chuyện sản phẩm trên các nền tảng số như YouTube, Facebook và TikTok. Các câu chuyện đây màu sắc văn hóa và đặc trưng địa phương này không chỉ giúp sản phẩm tiếp cận khách hàng quốc tế, mà còn thu hút cả các Việt kiều sinh sống tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã ký kết hợp tác với Viettelpost, tiếp cận đến thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong thời gian tới, nhiều chương trình giới thiệu thương hiệu thủ công mỹ nghệ, thương hiệu OCOP sẽ tiếp tục được tổ chức tại nhiều quốc gia, nhằm khẳng định vị thế của nông nghiệp và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện nay rất nhiều địa phương, doanh nghiệp đã lựa chọn quà tặng là những sản phẩm OCOP có bao bì thiết kế rất đặc sắc và mang văn hóa đặc trưng. Đó không chỉ thuần túy là những sản phẩm để làm quà tặng, quà biếu mà đằng sau đó còn là thông điệp, sứ giả của nông nghiệp Việt Nam, của truyền thống văn hóa cũng như là đặc sản của các vùng, miền. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) |