Chiến lược Zero Covid của Hồng Kông làm thất vọng những người dân mê du lịch

11:56 12/08/2021

Trước đại dịch, người dân Hồng Kông là một trong những nhóm dịch chuyển nhiều nhất trên Trái đất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)

Theo Cục Thống kê và Điều tra dân số Hồng Kông, trong năm 2019, cư dân khu vực này đã thực hiện 94,7 triệu lượt khởi hành. Dựa trên số liệu của Liên Hợp Quốc, năm trước, người Hồng Kông đã tiêu tốn khoảng 26,5 tỷ đô la, biến nơi đây trở thành thị trường du lịch lớn thứ 11 thế giới về chi tiêu. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục thường xuyên xuất hiện trên các hành trình du lịch cuối tuần, trong khi châu Âu, Bắc Mỹ và Úc thu hút người Hồng Kông tới du lịch dài ngày.  

Tuy nhiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, những cư dân mê xê dịch tại đây đã trải qua cuộc sống gò bó do lệnh cấm du lịch và một trong những cuộc cách ly lâu nhất thế giới. Những người đã tiêm chủng đầy đủ phải thông qua quá trình kiểm dịch tự phí trong một khách sạn được chính phủ phê duyệt từ 7 đến 21 ngày, chính sách có hiệu lực kể từ ngày 9 tháng 8. Như vậy, hy vọng cho bất kỳ bong bóng du lịch nào cũng đã sụp đổ. Các nhà chức trách đưa ra khả năng đạt thỏa thuận với Singapore hai lần trước khi ra quyết định trì hoãn vô thời hạn vào tháng năm.

Mặt khác, các biện pháp an toàn của Hồng Kông đã giữ cho tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp, chỉ với 12.020 trường hợp mắc và 212 trường hợp tử vong tại thành phố 7,5 triệu người tính đến ngày 10/8. Sau tất cả, dường như những nỗ lực trên khó có thể thảo mãn cơn “thèm” di chuyển của một số cư dân. Liza, một nhân viên ngân hàng quốc tế người Hồng Kông cho biết: “Lúc đầu tôi cảm thấy may mắn khi sống ở Hồng Lông. Tôi cảm thấy tự hào về cách chúng tôi xử lý đại dịch và may mắn tình trạng không quá nghiêm trong. Nhưng bây giờ mọi thứ đều bị đảo lộn. Cho dù là du lịch với mục đích gặp gia đình ở nước ngoài hay tạm gác lại cuộc sống bận rộng và căng thẳng cũng cực kỳ quan trọng đối với tôi. Đó là lý do tôi làm việc và tiết kiệm tiền để đạt được điều gì đó đáng mong đợi”.

Một kỷ lục khống chế Covid-19 đáng ghen tị

Trong 18 tháng qua, nhiều người đã xem Hồng Kông như một ví dụ về cách xử lý Covid-19 một cách hiệu quả. Khi trường hợp đầu tiên xuất hiện ở thành phố vào tháng 1 năm 2020, chính quyền đã yêu cầu đeo khẩu trang, tăng cường các biện pháp vệ sinh và tăng khoảng cách xã hội. Vào tháng 3 năm 2020, trong khi Mỹ và châu Âu đối mặt với những đợt bùng phát dữ dội, chính quyền Hồng Kông đã triển khai một loạt các biện pháp an toàn: đóng cửa đối với người cư dân không có thẻ hoặc hết hạn cư trú, giới hạn tụ tập khôngc quá bốn người, giảm một nửa công suất nhà hàng, cho nghỉ học tạm thời, dừng toàn bộ kinh doanh câu lạc bộ, quán karaoke, quán bar, phòng tập, thẩm mỹ viện. Sau đó, đặc khu kinh tế đã dần loại bỏ các hạn chế khi làn sóng thứ hai, thứ ba và thứ tư xuất hiện, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo đeo khẩu trang và giới hạn tụ tập theo nhóm.

Liza tỏ ra bất mãn: “Trải qua những cuộc biểu tình năm 2019 rồi lại đến những hạn chế với đại dịch đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn tôi nghĩ. Trước đây, chúng tôi coi việc đi du lịch là điều hiển nhiên. Tôi biết ơn vì chúng tôi được an toàn nhưng tôi nghĩ rằng các hạn chế đang thận trọng quá mức”.

Thỏa thuận với Singapore ngoài tầm với

Mùa hè năm 2020, những du khách cuồng nhiệt đã nhìn thấy một tia hy vọng. Chính phủ thông báo rằng một hành lang du lịch Singapore không có kiểm dịch sẽ được đưa vào hoạt động, dự kiến ​​ra mắt vào tháng 11 năm 2020. Tuy nhiên, ngay trước khi bắt đầu, các quan chức đã loại bỏ kế hoạch do sự gia tăng ca bệnh đột ngột ở Hồng Kông.

Một lần nữa, chính quyền đã thắt chặt lại các hạn chế về khoảng cách xã hội, cấm tất cả những người đến bao gồm cả cư dân Hồng Kông từ Vương quốc Anh. Các nhà chức trách đã dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 5 năm 2021 và chỉ khôi phục lệnh cấm vào ngày 1 tháng 7 do biến thể Delta tăng đột biến, sau đó dỡ bỏ lệnh cấm trở lại vào ngày 9 tháng 8.

Hồng Kông và Singapore nối lại các cuộc đàm phán về bong bóng du lịch đã được chờ đợi từ lâu vào năm 2021. Nhưng kế hoạch này đã thất bại lần thứ hai vào tháng 5, lần này do dịch bệnh bùng phát ở Singapore. Theo Straits Times, Singapore có kế hoạch từ bỏ “Zero Covid”, một chiến lược quan trọng đối với bong bóng du lịch mà Hồng Kông mong muốn. Vấn đề phức tạp là Hồng Kông không đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% dân số vào tháng 9. Mặc dù đã thực hiện tiêm chủng diện rộng, khu vực này mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 40,4% cư dân tính đến ngày 10 tháng 8.

Liza cho hay: “Vấn đề đi lại cũng phụ thuộc vào tiêm chủng. Bạn không thể chỉ thực hiện 1 trong hai. Tôi quá thất vọng khi thấy nhiều người thờ ơ và có quá nhiều thông tin sai lệch. Một đồng nghiệp cũ của tôi nói rằng sẽ không tiêm vaccine vì một nhà ngoại cảm trên truyền hình cho rằng không nên tiêm. Điều đó khiến tôi tức giận vì sẽ chẳng thể tự do đi du lịch trở lại cho đến khi có nhiều người tiêm vaccine hơn”.

Cho đến ngày 9 tháng 8, tất cả những người di chuyển phải kiểm dịch bắt buộc, tự túc từ 14 đến 21 ngày trong một khách sạn cách ly được chỉ định. Những đợt lưu trú này có mức chi phí từ 400 đô la Hồng Kông (51 đô la Mỹ) đến 51.150 đô la Hồng Kông (6.581 đô la Mỹ) mỗi đêm.

Vào tháng 4 năm 2021, chính phủ đã nới lỏng các hạn chế đối với những cư dân được tiêm chủng đầy đủ và triển khai các điều chỉnh thêm vào ngày 9 tháng 8, mở cửa biên giới cho một số người không cư trú đã được tiêm chủng đầy đủ. Thành phố cũng đã đơn giản hóa các cấp độ rủi ro của mình từ năm thành ba: thấp, trung bình và cao.

Đối với các điểm đến có nguy cơ thấp như New Zealand, Úc, Trung Quốc đại lục và Macao, cư dân và người không cư trú có thể nhập cảnh vào Hồng Kông miễn là họ xuất trình các xét nghiệm PCR Covid-19 âm tính trong vòng 72 giờ sau khi khởi hành và đặt phòng cách ly khách sạn đã được xác nhận. Những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ phải trải qua thời gian cách ly bảy ngày, rút ngắn so với 14 ngày nếu chưa được tiêm chủng.

Cả cư dân Hồng Kông và những người không được tiêm chủng đầy đủ đều có thể vào Hồng Kông từ các điểm đến có nguy cơ trung bình, chẳng hạn như Mỹ, Singapore, Pháp, Đức và Canada. Những cư dân không được tiêm chủng sẽ cần phải cách ly trong 21 ngày, trong khi những người được tiêm chủng đầy đủ cách ly 14 ngày, sau đó là bảy ngày tự giám sát. Những khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ có thể rút ngắn thời gian cách ly xuống còn bảy ngày, sau đó là bảy ngày tự theo dõi tại nhà.

Trong khi đó, chính phủ đã cấm đi lại ở những nơi có nguy cơ cao, chẳng hạn như Philippines, Indonesia, Nga, Nam Phi, Nepal, Ireland, Ấn Độ và Anh và chỉ những người dân Hồng Kông đã được tiêm phòng đầy đủ mới được phép lên các chuyến bay. Ngoài ra, những người đến đây cần phải cách ly 21 ngày tại một khách sạn được chỉ định, sau đó là bảy ngày tự giám sát. Trong số các chính sách cập nhật, nhà chức trách cũng nới lỏng các hạn chế đối với trẻ em dưới 12 tuổi cho phép cách ly ở nhà miễn là cả hộ gia đình được tiêm chủng đầy đủ.

Chính phủ Hồng Kông khẳng định các yêu cầu bao gồm nhiều kiểm tra trước khi lên máy bay, đến và sau khi hạ cánh, thể hiện một cách tiếp cận dựa trên khoa học. Giới chức cho biết trong một tuyên bố: “Các biện pháp này được điều chỉnh thích hợp với mục tiêu xây dựng hàng rào chống dịch để ngăn chặn các ca bệnh từ bên ngoài”. Hồng Kông sẽ tiếp tục đánh giá rủi ro trước khi thay đổi các yêu cầu kiểm tra, lên máy bay và kiểm dịch.

Chính sách kiểm dịch

Các quy tắc và quy định thay đổi liên tục đã gây khó chịu và khó chịu cho nhiều du khách. Trong số đó có Maisie Fairweather, một giáo viên tiểu học người Anh, từng dạy ở Thái Lan trước khi chuyển đến Hong Kong vào năm 2019. Fairweather đã đi du lịch khắp Đông Nam Á trước đại dịch, thường xuyên dành những kỳ nghỉ cuối tuần dài với người bạn đời và bạn bè của mình. Sau chuyến đi đến Philippines vào dịp Tết Nguyên đán năm 2020, Fairweather lần đầu tiên được trải nghiệm chuyến du lịch trong một thế giới có đại dịch.

“Chúng tôi đã có một chuyến đi tuyệt vời với bạn bè, nhưng đột nhiên mọi thứ trở nên đáng sợ”. Cô kể: “Chuyến bay trở về của chúng tôi đã bị hủy và cuối cùng chúng tôi phải quá cảnh ở Đài Loan để về nhà”. Đó là chuyến đi cuối cùng của cô trong 18 tháng qua. Cô cho rằng những hạn chế hiện tại gây ra sự “tức giận, đau lòng và tàn nhẫn” bởi chúng khiến các gia đình phải xa cách.

Khi chính quyền Hồng Kông nới lỏng kiểm dịch đối với những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ đến từ Anh vào đầu mùa hè này, cô nàng đã hy vọng cuối cùng sẽ có cơ hội về thăm gia đình. Fairweather đã đặt vé máy bay và nôn nóng chờ đợi cuộc hội ngộ. Bất ngờ, chính quyền Hồng Kông đã gia hạn kiểm dịch lên đến ba tuần, bất kể tình trạng tiêm chủng. Sau đó, vào ngày 1 tháng 7, Hồng Kông đã cấm các chuyến bay từ Vương quốc Anh, bao gồm chuyến đi đã được chờ đợi từ lâu của Fairweather. Mặc dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ vào ngày 9 tháng 8, nhưng Fairweather nói rằng đã quá muộn để đi du lịch do năm học mới bắt đầu vào ngày 16 tháng 8.

Cô bức xúc: "Thật là vô cùng khó chịu. Có cảm giác như cứ mỗi bước tiến về phía trước, chúng ta lại lùi lại hai bước. Tôi phải giữ thái độ lạc quan và hy vọng rằng những thay đổi mới này sẽ tạo cơ hội đoàn tụ gia đình vào dịp Giáng sinh. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi rất biết ơn vì tôi được an toàn và khỏe mạnh ở Hồng Kông. Tôi nhận ra mình thật may mắn. Nhưng bản thân tôi và vô số người khác đã bị mắc kẹt”. Cô cho biết thêm, phần tai hại nhất của những hạn chế đi lại không phải là quy định kiểm dịch khắt khe mà là thay đổi liên tục. Fairweather lần nữa chia sẻ: “Bạn không dám lên kế hoạch cho bất cứ điều gì hoặc nuôi hy vọng. Và điều này dường như không có hồi kết”.

Trước đại dịch, Fairweather nghĩ rằng cô sẽ sống ở Hồng Kông vô thời hạn. Nhưng những hạn chế về việc đi lại đang khiến cô đặt câu hỏi về tương lai đó. “Đôi khi tôi cảm thấy thất vọng, tức giận và tuyệt vọng. Tôi biết rất nhiều người hiện đã rời Hồng Kông để trở về Vương quốc Anh hoặc nơi khác ... và có lẽ đó cũng là tương lai của chúng tôi. Tôi đã không bao giờ nghĩ đến việc rời đi trước đại dịch. Nhưng bây giờ, tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là cái ôm với mẹ”.

Khi thấy những người đến từ các quốc gia khác như Mỹ, Anh tự do đi du lịch, Ivor Ngo cảm thấy nhói lên một sự ghen tị. Đối với Ngo, một giám đốc kinh doanh và tiếp thị sinh ra ở Hồng Kông, du lịch là một trong những thú tiêu khiển yêu thích của anh. Anh ấy thường bay đến châu Âu vài tuần mỗi năm để làm việc và thực hiện các chuyến đi ngắn hơn vòng quanh Đông Nam Á và Nhật Bản ít nhất hai lần một năm. “Đây là thời gian ở lại Hồng Kông lâu nhất kể từ khi tôi 18 tuổi” anh nói. “Bạn bè của tôi và tôi từng nói rằng mọi người ở Mỹ hoặc Anh thật là vô trách nhiệm khi đi du lịch ... Nhưng giờ đây, chúng tôi hiểu rằng không thể làm gì để khiến loại vi-rút này biến mất. Chúng tôi tin rằng nếu chúng tôi làm tất cả những gì có thể để bảo vệ bản thân và những người khác, chúng tôi có thể đi du lịch”. Nếu các hạn chế về cách ly kéo dài đối với những người được tiêm chủng vẫn tiếp tục, Ngo nói rằng anh có thể rời khỏi Hồng Kông. "Tôi đang tìm các cơ hội để chuyển đến các quốc gia khác. Ở tuổi 31, độ tuổi mà tôi cóđủ khả năng và nên đón nhận những cuộc phiêu lưu mới”.

Là một đặc khu của Trung Quốc, không giống như Úc, Thái Lan hay Trung Quốc đại lục, nơi người dân có thể tận hưởng nhiều cơ hội du lịch trong nước hơn, người Hồng Kông không có nhiều lựa chọn. Nhiều địa điểm du lịch thông thường trong nước, từ làng chài Tai O và bãi biển Shek O đến các hòn đảo xa xôi và Sai Kung đã bị quá tải.

Liza đồng tình với ý kiến của Ngo:: “Khi tôi nhìn thấy phần còn lại của thế giới học cách sống chung với loại vi-rút khủng khiếp này, tôi cảm thấy như sự tự do của mình đang bị tước đi. Tôi không quan tâm đến việc đi ăn nhà hàng hay đến phòng tập thể dục. Tôi quan tâm đến việc có thể đi du lịch để gặp gỡ gia đình và bạn bè, thư giãn tinh thần sau khoảng thời gian căng thẳng này”. Cô cho biết thêm, dường như Hong Kong đang “đứng yên trong một bong bóng nhỏ”. Mặc dù thành phố đã thành công trong việc giữ an toàn cho người dân, nhưng lại là thách thức về mặt tinh thần và tâm lý.

Trách nhiệm hay quá hạn chế?

Trong khi chính phủ đã có thông báo nới lỏng hạn chế với từng trường hợp, một số người dân Hồng Kông cảm thấy việc cách ly bắt buộc trong 21 ngày đối với những cư dân được tiêm chủng đầy đủ vẫn còn quá nghiêm khắc. Liza cho hay: “Chúng tôi có thể ở bảy ngày trong phòng khách sạn, sau đó bảy ngày cách ly tại nhà với sự giám sát và một số xét nghiệm. Nhưng tôi nghĩ 21 ngày là quá nhiều. Chúng ta cần phải tìm cách để sống chung với điều này trong tương lai”

Ngược lại, Iris Law, một huấn luyện viên sức khỏe kiêm tác giả sinh ra ở Hồng Kông, cho biết cô cảm thấy những hạn chế này là hợp lý, mặc dù 14 ngày sẽ dễ chịu hơn đối với những người được tiêm chủng đến từ các khu vực có nguy cơ cao hơn.

"Các yêu cầu kiểm dịch và lệnh cấm đi lại không phải là điều mà hầu hết mọi người đều hoan nghênh, nhưng tôi cảm thấy rằng chúng cần được thực hiện do thời gian ủ bệnh lâu của Covid-19, mức độ nghiêm trọng có thể xảy ra và biến thể mới lây lan nhanh”. Law nói: “Các số liệu thống kê cho chúng tôi biết rằng những biện pháp kiểm soát mà chúng tôi áp dụng đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kiểm soát sự lây lan so với các quốc gia có quy định lỏng lẻo hơn. Đặc biệt là ở Hồng Kông, nơi có mật độ dân cư rất cao, tôi tin rằng các quy định khác nhau đã giúp chúng tôi sống ots đến ngày hôm nay”.

Trước đại dịch, người Hồng Kông thường xuyên đi du lịch nghỉ lễ và làm việc, đặc biệt là đến Nhật Bản. Với các biến thể mới xuất hiện ở nước ngoài và tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nước, Law không nghĩ rằng sẽ an toàn nếu sớm mở cửa biên giới. Law chia sẻ: “Tôi tin rằng Hồng Kông sẽ có bong bóng du lịch với các địa điểm lân cận trong một đến hai năm tới. Điều đáng buồn là tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể tiếp tục du lịch bình thường trong ít nhất ba đến bốn năm”.

TL