Chiến lược gì giúp Apple có thể giữ lại việc làm cho nhân viên?

15:03 21/03/2023

Ngay cả khi kinh tế bất ổn, Apple vẫn làm mọi thứ có thể để tránh sa thải nhân viên, trong khi tất cả đối thủ lớn của họ đều đã thông báo cắt giảm nhân sự.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mới đây, gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ là Amazon cho biết, họ sẽ sa thải thêm 9.000 nhân viên trong những tuần tới. Đợt cắt giảm này nằm ngoài các đợt sa thải đã được Amazon công bố. Trước đó, Amazon cho hơn 18.000 nhân viên thôi việc.

Trong khi đó, một ông lớn công nghệ khác là Meta - công ty mẹ của Facebook cũng vừa thông báo sa thải thêm 10.000 nhân viên do tình hình kinh tế khó khăn. Năm ngoái, ông trùm mạng xã hội này đã cắt giảm khoảng 13% nhân sự của mình, tương đương với 11.000 người, trong một động thái nhằm tinh gọn tổ chức.

Hai trường hợp trên là ví dụ mới nhất cho làn sóng sa thải hàng loạt đang diễn ra trong ngành công nghệ Mỹ. Trong giai đoạn cuối năm ngoái đến nay, từ "sa thải", "cắt giảm",... đã gây ra bầu không khí lo lắng, tiêu cực cho người lao động ở Mỹ.

Tuy vậy, một ông lớn công nghệ của Mỹ vẫn quyết tâm giữ vị trí của mình, cố gắng tránh xa việc cắt giảm nhân sự hàng loạt. Đó là Apple.

Ngay cả khi kinh tế bất ổn, Apple vẫn làm mọi thứ có thể để tránh sa thải nhân viên, trong khi tất cả đối thủ lớn của hãng đều đã thông báo ít nhất một vòng cắt giảm nhân sự. Điều đó cho thấy “táo khuyết” phải “cân não” thế nào mới giữ lại được việc làm cho mọi người.

Apple thành công hơn bất kỳ doanh nghiệp công nghệ nào khác với lợi nhuận quý gần nhất đạt 30 tỷ USD. Công ty sở hữu 165 tỷ USD tiền mặt cũng như sự nổi tiếng ổn định. Giá cổ phiếu năm nay cũng tăng gần 20%. Chỉ trong vòng 3 tháng nữa, hãng được cho là sẽ giới thiệu thiết bị thực tế hỗn hợp mới, chuẩn bị cho một thế giới “hậu iPhone”.

Theo Bloomberg, Apple đã tránh được làn sóng sa thải đang diễn ra nhờ chiến lược cắt giảm chi phí gắt gao. Một số nguồn tin nội bộ cho biết, Apple đã thay đổi kế hoạch trả thưởng. Thông thường, hãng chia khoản này một hoặc hai lần mỗi năm tùy bộ phận trả vào tháng 4 và tháng 10. Còn theo chính sách mới, các bộ phận chỉ nhận một lần duy nhất vào tháng 10.

CEO Tim Cook cũng nằm trong danh sách cắt giảm lương thưởng. Theo hồ sơ Apple gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) giữa tháng 1, tổng số tiền công ty trả cho ông trong 2023 dự kiến là 49 triệu USD, thấp hơn 40% so với 2022.

Apple hiện không thiếu tiền mặt, dù vậy, công ty muốn duy trì sự ổn định. Theo một số chuyên gia, việc trả thưởng một lần vào cuối năm sẽ giúp hãng có thêm nguồn tiền để giải quyết các vấn đề của công ty. Hành động này cũng một phần giúp tinh gọn hoạt động của bộ máy quản lý nhân sự.

Một số dự án như loa thông minh HomePod với màn hình cảm ứng được hoãn ra mắt sang đầu năm sau. Nhờ đó, Apple có thể phân bổ ngân sách và nguồn lực cho những dự án quan trọng hơn.

Táo khuyết còn cắt giảm ngân sách cấp cho một số bộ phận, yêu cầu phó chủ tịch phê duyệt thêm nhiều mặt hàng trước khi chi tiền.

Một số bộ phận tại Apple thắt chặt hoặc tạm ngừng hoàn toàn tuyển dụng. Khi nhân sự nghỉ việc, vị trí sẽ được để trống thay vì tuyển người thay thế.

CEO Tim Cook từng khẳng định sa thải là “giải pháp cuối cùng” tại Apple
CEO Tim Cook từng khẳng định sa thải là “giải pháp cuối cùng” tại Apple.

Trong một số trường hợp, Apple hạn chế để nhân viên chuyển sang phòng ban hoặc cửa hàng khác. Năm ngoái, hãng đã sa thải một số nhân viên hợp đồng (không phải toàn thời gian) và âm thầm cắt giảm nhân sự đối tác.

Chi phí di chuyển hoặc công tác cũng được cắt giảm đáng kể, cần được phê duyệt bởi nhân sự cấp cao. Vài bộ phận đã tạm dừng hoàn toàn những chuyến đi, trừ mục đích khẩn cấp cho kinh doanh.

Các quản lý cũng nghiêm ngặt hơn trong việc chấm công. Nhân viên được yêu cầu đến văn phòng vào thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm. Một số nhân viên cho rằng đây sẽ là tiêu chí để công ty sa thải người không đáp ứng yêu cầu.

Đối với bộ phận bán lẻ, Apple theo dõi sự có mặt và giờ làm của người lao động. Vài người cảm thấy công ty sẽ áp dụng lập trường cứng rắn hơn để buộc nhân viên phải xin nghỉ việc. “Thời gian nghỉ ốm đặc biệt” từ trong dịch Covid-19 sẽ chấm dứt, buộc mỗi người phải cân nhắc tối ưu việc nghỉ ốm thông thường.‍

Những thay đổi này có thể khiến nhân viên không hài lòng, song thực chất nó còn nhẹ nhàng hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác. Không ít đối thủ lớn nhất của Apple đã sa thải tổng cộng gần 50.000 nhân sự trong vài tháng gần đây.

Cho đến nay, nỗ lực tại công ty đã được đền đáp: chi phí vận hành giai đoạn Noel 2022 thấp hơn đáng kể so với ước tính. CEO Tim Cook từng khẳng định, sa thải là “giải pháp cuối cùng” tại Apple. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa ‍phương án này bị loại trừ hoàn toàn.

Theo chuyên gia Mark Gurman của BloombergApple đang có lợi nhuận lớn hơn bất kỳ công ty công nghệ nào. Công ty cần bảo vệ hình ảnh khi sắp ra mắt một số sản phẩm mới như kính thông minh. Sa thải hàng loạt gây tổn hại nhiều hơn đến tinh thần và nhận thức của công chúng về hoạt động kinh doanh của công ty. Đó cũng chính là lý do khiến Apple tránh việc sa thải hàng loạt. Tuy nhiên, với tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay, mọi chuyện vẫn có thể xảy ra ngoài dự đoán.

Đình Lâm (t/h)