Thứ bảy 21/09/2024 10:41
Hotline: 024.355.63.010
Kinh tế số

Châu Âu thông qua đạo luật đầu tiên trên thế giới về quản lý trí tuệ nhân tạo

14/03/2024 16:28
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Roberta Metsola đã mô tả đạo luật này là bước đi tiên phong và cho biết nó sẽ tạo điều kiện cho sự đổi mới, đồng thời bảo vệ các quyền cơ bản.
aa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Liên minh châu Âu ngày 13/3 đã bỏ phiếu tán thành Đạo luật AI (The AI Act), sau khi đạt thỏa thuận về dự luật từ tháng 12 năm ngoái, trong đó cấm một số hoạt động sử dụng AI nhất định, đưa ra quy tắc minh bạch và yêu cầu đánh giá đối với các hệ thống AI được coi là có rủi ro cao.

Theo Reuters, động thái trên là bước cuối cùng để EU thông qua, biến dự luật thành luật để áp dụng cho toàn khối. Quan trọng hơn, đây sẽ là luật hoàn chỉnh đầu tiên về AI trên toàn cầu.

“Châu Âu hiện là nơi thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về AI”, Thierry Breton, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Liên minh châu Âu cho biết.

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Roberta Metsola đã mô tả đạo luật này là bước đi tiên phong và cho biết nó sẽ tạo điều kiện cho sự đổi mới, đồng thời bảo vệ các quyền cơ bản.

“Trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bây giờ, nó cũng sẽ là một phần trong luật pháp của chúng tôi”, bà cho biết.

Với 523 phiếu thuận, 46 phiếu chống và 49 phiếu trắng, đạo luật AI EU chính thức được thông qua, dự kiến có hiệu lực vào tháng 5 tới, sau khi các quy trình lập pháp cuối cùng được tiến hành. Các nội dung sẽ được thực thi từng bước từ năm 2025 trở đi. Tuy nhiên, một số điều khoản sẽ có hiệu lực sớm hơn.

Các lệnh cấm có hiệu lực năm nay gồm cấm sử dụng AI nhận dạng cảm xúc trong trường học và nơi làm việc, cấm quét hình ảnh đại trà cho cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt. Những quy tắc khác sẽ dần dần có hiệu lực trong những năm sau.

Đối với các nhà cung cấp mô hình AI có mục đích chung, khi đào tạo hệ thống trên các tập dữ liệu khổng lồ cũng như củng cố các ứng dụng AI chuyên biệt, họ cần có tài liệu kỹ thuật cập nhật đầy đủ về mô hình và sẽ phải xuất bản bản tóm tắt nội dung đã sử dụng để đào tạo mô hình đó.

Các công ty tạo ra mô hình AI mạnh mẽ nhất, được EU coi là doanh nghiệp có thể gây "rủi ro hệ thống" lớn nhất, sẽ phải trải qua đánh giá an toàn hiện đại nhất. Họ cũng phải thông báo cho cơ quan quản lý về những sự cố nghiêm trọng xảy ra với mô hình, cũng như phải thực hiện biện pháp giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn và bảo vệ an ninh mạng.

Luật cũng hạn chế việc chính phủ sử dụng giám sát sinh trắc học bằng AI theo thời gian thực trong không gian công cộng đối với hầu hết trường hợp tội phạm. Tuy nhiên, họ được phép làm điều này nếu để ngăn chặn các mối đe dọa thực sự như tấn công khủng bố, tìm kiếm người bị nghi phạm tội nghiêm trọng.

Một quy định khác là yêu cầu các công ty dán nhãn rõ ràng cho deepfake, tức những hình ảnh, âm thanh hoặc video do AI tạo ra cho mục đích riêng nhưng có nội dung như thật. Hệ thống AI có rủi ro cao, như phần mềm AI cho mục đích nhập cư hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng, phải tiến hành đánh giá rủi ro và đảm bảo đang sử dụng dữ liệu chất lượng cao.

The AI Act sẽ áp dụng cho các sản phẩm AI tại thị trường EU, bất kể chúng được phát triển ở đâu. Công ty vi phạm sẽ đối mặt khoản tiền phạt lên tới 7% doanh thu trên toàn thế giới. Các nhà lập pháp cho biết, đây là một trong những đạo luật được vận động hành lang nhiều nhất mà khối đã giải quyết những năm gần đây.

Bắt đầu xây dựng từ năm 2021, đạo luật AI EU phân loại công nghệ theo mức độ rủi ro, từ “không thể chấp nhận” - đồng nghĩa với cấm phát hành, cho đến rủi ro mức độ cao, trung bình và thấp.

Một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Đức và Pháp, ủng hộ việc chính phủ các nước thành viên “tự điều chỉnh” biện pháp quản lý với doanh nghiệp AI, do lo quy định chặt chẽ quá mức có thể làm giảm sức cạnh tranh với các công ty Trung Quốc và Mỹ.

“Đạo luật AI đã thúc đẩy sự phát triển của AI theo hướng con người kiểm soát công nghệ và công nghệ sẽ giúp chúng ta thúc đẩy những khám phá mới để tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và giải phóng tiềm năng của con người,” Dragos Tudorache, nghị sĩ giám sát quá trình thảo luận của EU về dự luật cho hay.

Theo đó, đạo luật quản lý AI được thông qua không phải là “điểm kết thúc” đối với lĩnh vực công nghệ này, thay vào đó đây là điểm khởi đầu cho một mô hình quản trị mới được xây dựng dựa trên công nghệ.

Các chuyên gia pháp lý nhận định đạo luật này là một cột mốc quan trọng đối với quy định về AI quốc tế và có thể mở đường cho các quốc gia khác làm theo.

Mark Ferguson, chuyên gia chính sách công tại Pinsent Masons cho biết, việc thông qua đạo luật, mới chỉ là bước khởi đầu và các doanh nghiệp sẽ cần hợp tác chặt chẽ với các nhà lập pháp để hiểu cách thực hiện đạo luật này.

“Một lần nữa, EU đã đi trước, phát triển một bộ quy định toàn diện”, Steven Farmer, đối tác và chuyên gia AI tại công ty luật quốc tế Pillsbury nói. “Khối đã sớm hành động trong nỗ lực quản lý dữ liệu và tương tự với AI”.

Dù vậy, không phải là không có những lo ngại. Emma Wright, đối tác tại công ty luật Harbottle & Lewis, quan ngại các nội dung của đạo luật này có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời khi công nghệ là lĩnh vực chuyển động nhanh và liên tục phát triển.

“Tốc độ thay đổi của công nghệ như đã thấy với sự ra mắt của AI từ cuối năm ngoái đến nay, một điều phức tạp có thể xảy ra là Đạo luật AI EU có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời, đặc biệt nếu xét theo khung thời gian thực hiện”.

Tuần trước, một đạo luật của EU nhằm tìm cách kiềm chế các công ty công nghệ lớn cũng đã chính thức có hiệu lực, tạo ra những thay đổi lớn đối với các các tập đoàn công nghệ chủ yếu của Mỹ. Theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, EU có thể kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh từ các công ty công nghệ lớn và buộc những công ty này mở rộng dịch vụ trong những lĩnh vực mà vị thế thống trị của họ đã kìm hãm những công ty nhỏ hơn và bóp nghẹt quyền tự do lựa chọn của người dùng. Sáu công ty bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft và Bytedance đã được EU đưa vào danh sách “người gác cổng”. Theo đó, các công ty này được yêu cầu điều chỉnh nền tảng của mình để giúp cạnh tranh lành mạnh hơn tại EU.

PV

Hà Anh (T/h)

Tin bài khác
Viettel tặng điện thoại 4G cho khách hàng đang sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G

Viettel tặng điện thoại 4G cho khách hàng đang sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G

Các dòng máy mà Viettel hỗ trợ là điện thoại 4G đáp ứng nhu cầu nghe gọi cơ bản hoặc máy có thêm tính năng cloud phone để truy cập ứng dụng OTT.
EU tiếp tục yêu cầu Apple nới lỏng hơn nữa các hạn chế của iOS

EU tiếp tục yêu cầu Apple nới lỏng hơn nữa các hạn chế của iOS

Quyết định này với Apple được đưa ra trong bối cảnh EU tăng cường cạnh tranh công bằng trên thị trường kỹ thuật số thông qua Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số.
Apple bắt đầu bán iPhone 16 tại một số thị trường

Apple bắt đầu bán iPhone 16 tại một số thị trường

iPhone 16 và 16 Plus sẽ giữ nguyên kích thước màn hình như model tiền nhiệm còn 16 Pro và 16 Pro Max có màn hình OLED lớn hơn lần lượt là 6,3 inch và 6,9 inch.
Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng chuyển đổi kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững

Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng chuyển đổi kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững

Ngày 19/9, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Công Thương đã tổ chức 2 hội nghị về đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng chuyển đổi kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững.
Cuộc đua thương mại điện tử tiếp tục gay cấn với cú bắt tay giữa Youtube và Shopee

Cuộc đua thương mại điện tử tiếp tục gay cấn với cú bắt tay giữa Youtube và Shopee

Khi được hỏi về quy mô hợp tác với Shopee, Giám đốc châu Á - Thái Bình Dương của Youtube, Vidyasagar cho biết là rất lớn, nhưng từ chối đưa ra con số cụ thể.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son