Cảnh báo trang web giả mạo thương hiệu EVN

16:18 05/08/2022

Ngày 4/8/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông báo cho biết ,hiện nay trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo thương hiệu EVN.

Trang web giả mạo
Trang web giả mạo. 

EVN khẳng định trang web tại địa chỉ https://app.chuanqd.com hoàn toàn không phải của EVN cũng như của bất cứ đơn vị thành viên nào của EVN. Trang web này đã sử dụng một số nội dung, hình ảnh, logo có thể gây hiểu nhầm là ấn phẩm thông tin thuộc EVN, có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng khi sử dụng các thông tin tại trang web này.

Hiện nay, EVN chỉ sở hữu các trang web tại địa chỉ:http://www.evn.com.vn và http://tietkiemnangluong.vn.

EVN khuyến cáo các khách hàng sử dụng điện khi có yêu cầu bất kỳ dịch vụ nào của EVN chỉ tra cứu thông tin tại các địa chỉ: http://www.evn.com.vn và http://tietkiemnangluong.vn hoặc liên hệ các Trung tâm Chăm sóc khách hàng thuộc các Tổng công ty Điện lực để được hỗ trợ.

Có rất nhiều các website của các doanh nghiệp liên tục bị giả mạo. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà còn thiệt hại cho người tiêu dùng, nhất là khi các website giả mạo là những trang kinh doanh thương mại.

Không chỉ mạo danh các DN, ngân hàng, các đối tượng còn mạo danh cả các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Mới đây,  trang web của Bộ Công an cũng bị giả mạo. 

Vào tháng 5/2022, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TP.HCM phát đi thông tin cảnh báo về trang web https://2.0840113 có dấu hiệu giả mạo trang web của Bộ Công an với mục đích lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

PA05 cho biết, các đối tượng mạo danh lực lượng công an đang điều tra các vụ án (tham nhũng, rửa tiền, ma túy,…), chủ động liên hệ với một số cá nhân có liên quan đến các vụ án này để yêu cầu trình diện cơ quan công an. Nhóm đối tượng còn đe dọa khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm giam để điều tra và đề nghị nạn nhân nếu không muốn bị khởi tố, tạm giam thì phải cung cấp các thông tin, như CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, số dư… để thanh tra tài chính. Sau khi có được thông tin, đối tượng sẽ gửi một mã và đề nghị các nạn nhân đăng nhập vào trang website tên miền như trên (nếu không có mã này thì không thể đăng nhập để trang website mở giao diện giống trang web của Bộ Công an), khai báo các thông tin cá nhân và chọn mục hủy xác nhận OTP (phương thức bảo mật của ngân hàng khi thực hiện giao dịch). Có được thông tin cần thiết, các đối tượng sẽ chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của bị hại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cục An toàn Thông tin cho biết, đã có hơn 1.000.000 người Việt Nam, tức là khoảng 16 % người dùng Internet ở Việt Nam truy nhập tới các trang web lừa đảo, độc hại. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi và người dùng dễ bị mắc bẫy. Trong năm 2021, thế giới có 2.000.000 trang web lừa đảo, Việt Nam đã có tới 816 website lừa đảo giả mạo ngân hàng. 

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối cho biết, việc giả mạo trang web, trang fanpage của doanh nghiệp chắc chắn là nhằm mục đích xấu. Có thể là lợi danh nghĩa doanh nghiệp lớn để kinh doanh, nghiêm trọng hơn là để buôn bán hàng giả hoặc để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Luật sư Hùng, doanh nghiệp càng lớn, càng uy tín thì lại càng bị giả mạo nhiều. 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư cho hay, người có hành vi giả mạo trang thông tin của tổ chức cá nhân khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người có hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức cá nhân khác bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Trường hợp hành vi giả mạo thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, gây dư luận xấu hoặc làm ảnh hưởng xấu đến cơ quan tổ chức thì người có hành vi giả mạo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo điểm a khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này bị phạt tối đa 7 năm tù. Trường hợp giả mạo cơ quan tổ chức cá nhân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay buôn bán hàng giả thì bị xử lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay “Sản xuất buôn bán hàng giả” tương ứng.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Bộ TT&TT (NCSC) khuyến nghị trong trường hợp nghi ngờ, người dùng có thể truy cập vào Danh bạ tín nhiệm tại địa chỉ https://tinnhiemmang.vn để xác thực được số điện thoại đang liên hệ với mình có chính xác hay không, đồng thời, người dùng có thể tra cứu, nhận biết nhanh các website uy tín; nhận diện được mức độ an toàn thông tin của thiết bị, so sánh và đưa ra quyết định sáng suốt khi tiêu dùng...

Lâm Nghi