Giảm được cả thủ tục và thời gian
Trong năm 2018 Hà Nội đã đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, DN, tổ chức; qua đó góp phần duy trì, cải thiện các Chỉ số PCI, PARINDEX, PAPI; kiên quyết, khắc phục ngay những nội dung còn hạn chế trong công tác phối hợp giải quyết TTHC liên thông.
TP đã thông qua phương án đơn giản hóa 61 TTHC thuộc các lĩnh vực: Quy hoạch kiến trúc, nông nghiệp, giáo dục, y tế… TP cũng tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn hóa, kiểm soát việc công bố TTHC. Đến nay, đã ban hành 30 quyết định công bố, trong đó có 26 thủ tục mới ban hành, 47 thủ tục sửa đổi, bổ sung, 632 thủ tục bị bãi bỏ, hết hiệu lực thi hành và công bố danh mục 679 thủ tục theo quy định. 100% các quyết định công bố TTHC sau khi ban hành được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Tính đến ngày 25/11/2018, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc TP đang ở con số 1.923 thủ tục.
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Long Biên. Ảnh: Thanh Hải
Trong năm qua, với chủ trương rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, rất nhiều lĩnh vực của TP đã giảm được số ngày giải quyết đáng kể. Điển hình như Sở TN&MT đã rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 52 ngày xuống còn không quá 20 ngày đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở trên địa bàn; rút gọn thành phần hồ sơ tối đa từ 9 loại giấy tờ xuống còn 4 loại. Lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cũng thực hiện giảm thời gian giải quyết các TTHC từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; lĩnh vực đo đạc, bản đồ và viễn thám thực hiện giảm thời gian giải quyết TTHC kiểm tra, nghiệm thu bản đồ hiện trạng từ 15 ngày làm việc xuống còn 7 ngày làm việc…
Đối thoại để tháo gỡ điểm vướng
Để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ người dân, tổ chức trong giải quyết TTHC, các đơn vị của TP cũng tăng cường việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan. Định kỳ 6 tháng 1 lần các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đã tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân về TTHC... Ngoài ra, kế thừa những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính và một số cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc, TP đã ban hành quy định việc áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, DN, hợp tác xã được giao cung ứng dịch vụ công ích... Do vậy, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định thống nhất trong toàn TP việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị này.
Hà Nội cũng triển khai đồng bộ hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thống nhất toàn TP, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tạo cơ sở cho việc áp dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Tỷ lệ TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 được nâng cao, từ đó, tạo bước chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Theo thống kê, năm 2018, toàn TP có 689 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó, có 519 dịch vụ mức 3 và 170 dịch vụ mức 4.
Những động thái quyết liệt và tích cực của TP trong đơn giản TTHC đã góp phần tăng mức độ hài lòng của người dân, DN về sự phục vụ của cơ quan hành chính TP. Đồng thời, cũng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Trần Hà