Các vấn đề của Evergrande báo hiệu sự thay đổi cơ bản trong mô hình kinh tế Trung Quốc

18:55 07/10/2021

Cuộc khủng hoảng Evergrande ở Trung Quốc đã gây ra một loạt các hệ quả tập trung vào khoản nợ khổng lồ của công ty bất động sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại đằng sau câu chuyện của Evergrande và những khó khăn báo hiệu sự thay đổi cơ bản trong mô hình kinh tế của Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Getty Images)

Những động cơ kinh tế chẳng hạn như bất động sản đã thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc trong ít nhất hai thập kỷ qua. Bằng cách đàn áp thị trường bất động sản, các nhà chức trách Trung Quốc đang hy vọng giải phóng hàng nghìn tỷ đô la vốn trong tương lai có thể được sử dụng để tài trợ tốt hơn cho các khu năng lượng mặt trời, lĩnh vực tuabin điện gió, xe điện và các dạng năng lượng sạch mới.

Điểm này đã được Zhang Xiaohui, trưởng khoa Tài chính của Đại học Thanh Hoa, chỉ ra vào tháng trước. Bà ước tính rằng chiến lược không phát thải ròng của Trung Quốc sẽ đòi hỏi khoản đầu tư lên tới 46,6 nghìn tỷ đô la cho đến năm 2060 mà Bắc Kinh đã cam kết sẽ đạt trung hòa carbon. Đạt được khoản đầu tư này đồng nghĩ với sẽ cần 1,2 nghìn tỷ đô mỗi năm từ nay đến năm 2060, phần lớn dành cho cơ sở hạ tầng xanh. Con số đó tương đương với việc đầu tư toàn bộ GDP hiện tại của Indonesia mỗi năm trong 39 năm tới. Zhang cho biết: "Trung Quốc nên đi theo tốc độ của riêng mình khi thúc đẩy các mục tiêu về đỉnh carbon và trung hòa carbon, cố gắng cân bằng giữa phát triển kinh tế và giảm phát thải carbon".

Tuy nhiên, tất cả số tiền này sẽ được huy động ra sao, rót vốn vào những lĩnh vực nào là câu hỏi nhận được nhiều chú ý. Nếu nước này tài trợ cho đợt bùng nổ xanh sắp tới bằng cách dựa vào chính quyền địa phương như đã làm với ngành bất động sản sẽ có khả năng kéo dài những yếu kém về cơ cấu và thể chế đang đe dọa Trung Quốc ngày nay. Một cách tốt hơn để Bắc Kinh tài trợ cho "bước nhảy vọt xanh vĩ đại" là thông qua thị trường trái phiếu, cho phép tăng số lượng "trái phiếu xanh" được phát hành. Giờ đây, năng lượng mặt trời và điện gió là một trong những hình thức sản xuất điện hiệu quả về chi phí nhất ở Trung Quốc.

Các tập đoàn Trung Quốc trong một số lĩnh vực khác nhau cũng đang hướng tới mục tiêu tương tự. Sinopec, tập đoàn lọc dầu lớn nhất thế giới, cho biết vào tháng 8 rằng công ty có kế hoạch đầu tư 4,5 tỷ đô để xây dựng các trạm hydro tại 30.000 trạm xăng. Đến năm 2025, Sinopec đặt mục tiêu có 7.000 trạm sạc năng lượng mặt trời tại chỗ. Các tuabin gió của Trung Quốc đang tiến gần hơn đến thế mạnh toàn cầu. Công ty thứ hai là CSSC Haizhang đã khởi động một tuabin gió 10MW vào tháng trước. Tiềm năng cho thị trường xe điện của Trung Quốc lớn đến mức mặc dù một số công ty khởi nghiệp đang mắc nợ sâu nhưng vẫn được định giá cao ngất ngưởng. Ví dụ, Nio của Trung Quốc được định giá gần gấp đôi Ferrari. Khó có thể biết được liệu quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào bất động sản sang mô hình phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ xanh có suôn sẻ hay không nhưng quy mô tham vọng của Bắc Kinh đã quá rõ ràng.

TL (theo Nikkie Asia)