Các thị trường chứng khoán toàn cầu diễn biến trái chiều. Ảnh: TTXVN
Ở châu Âu, chỉ số DAX 30 tại Frankfurt chốt phiên tăng 0,2%, lên 11.423,28 điểm, chỉ số CAC 40 tại Paris ổn định ở mức 5.196,11 điểm, còn chỉ số FTSE 100 tại London mất 0,9%, xuống 7.167,39 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 tăng 0,1%, lên 3.263,7 điểm.
Số liệu kinh tế mới cho thấy hoạt động chế tạo tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Nhật Bản giảm trong tháng Hai, được coi là dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết.
Trong báo cáo về Eurozone, IHS Markit cho rằng sự kết hợp giữa các nhân tố gây bất ổn như cuộc chiến thương mại toàn cầu, nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu và sự giảm sút của lĩnh vực sản xuất ô tô mà đáng ngại nhất là ở Đức đang tác động xấu đến triển vọng tăng trưởng của khu vực này.
Trong khi đó, trên phố Wall, các chỉ số chứng khoán chốt phiên đều mất điểm, với chỉ số Dow Jones giảm 0,4%, xuống 25.850,63 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0,4%, xuống 2.774,88 điểm, còn chỉ số Nasdaq giảm 0,4%, xuống 7.459,71 điểm.
Theo nhà phân tích Bill Lynch thuộc Hinsdale Associate, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm kể từ cuối tháng 12/2018, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát đi các tín hiệu vể việc dừng tăng lãi suất và các quan chức Mỹ-Trung tiến gần hơn đến một thỏa thuận thương mại. Nhà phân tích này cho rằng sau tám tuần tăng liên tiếp, sớm hay muộn thì thị trường cũng sẽ đi xuống.
Các cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ-Trung đã được nối lại tại Washington nhằm đạt được một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng. Tuy nhiên, các nhà phân tích không cho rằng hai bên có thể giải quyết hoàn toàn tranh chấp trước thời hạn chót là ngày 1/3.
Lê Minh (Theo AFP)