Sắc xanh phủ khắp thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày 13/5, giúp chỉ số MXV-Index tăng gần 1,5%, chốt phiên ở mức 2.229 điểm, theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).
Đáng chú ý, nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận sự khởi sắc khi 9/10 mặt hàng đều tăng giá. Đặc biệt, giá đường bật tăng mạnh trên cả hai sàn lớn. Trên sàn ICE US, đường 11 tăng 2,94% lên 401 USD/tấn, còn trên sàn ICE EU, giá đường tăng tới 2,99%, đạt 509,8 USD/tấn. Sự gia tăng này xuất phát từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu do thời tiết bất lợi tại Brazil - quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Mía đường UNICA, sản lượng mía ép tại khu vực Trung - Nam Brazil trong tháng 4 chỉ đạt 34,25 triệu tấn, giảm mạnh 33% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng đường cũng sụt giảm tới 39%, chỉ còn 1,58 triệu tấn do mưa lớn ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch và làm giảm hàm lượng đường trong mía.
Dữ liệu từ chính phủ Brazil cho thấy, xuất khẩu đường của Brazil trong tháng 4 cũng giảm mạnh 17,7%, chỉ đạt 1,55 triệu tấn. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm 2024, con số cho thấy rõ mức độ khan hiếm hàng trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, báo cáo mới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy dự báo tồn kho đường cuối kỳ niên vụ 2025 - 2026 của Mỹ sẽ giảm mạnh xuống 1,4 triệu tấn, từ mức 2 triệu tấn của vụ trước, củng cố thêm xu hướng giá tăng do lo ngại cung - cầu mất cân đối.
Thị trường cà phê cũng chứng kiến đà phục hồi tích cực sau giai đoạn điều chỉnh. Giá Arabica tăng 0,91%, đạt 8.297 USD/tấn; trong khi giá Robusta tăng 1,52% lên 5.129 USD/tấn - một trong những mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay.
![]() |
Thị trường cà phê cũng chứng kiến đà phục hồi tích cực sau giai đoạn điều chỉnh |
Số liệu từ Hội đồng Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafé) cho thấy xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 4 đã giảm mạnh 27,7%, chỉ đạt 3,09 triệu bao (60 kg/bao). Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng vọt 41,8% so với cùng kỳ, nhờ giá bán cao hơn, đạt 1,34 tỷ USD.
Chủ tịch Cecafé, ông Márcio Ferreira nhận định lượng xuất khẩu giảm là hợp lý do đang ở giai đoạn giữa vụ, đặc biệt là sau khi Brazil đã xuất khẩu một lượng kỷ lục trong năm 2024. Ông cho biết thêm xuất khẩu sẽ giảm trong hai tháng tới, cho đến khi vụ mùa Arabica bắt đầu. Brazil có khả năng thu hoạch vụ càphê Robusta lớn nhất trong lịch sử, trong khi đó sản lượng càphê ở Việt Nam và Indonesia cũng được dự báo là tăng trưởng so với niên vụ năm ngoái.
Đáng chú ý, sản lượng cà phê Robusta của Brazil năm nay được kỳ vọng lập kỷ lục mới, trong khi Việt Nam và Indonesia – hai quốc gia xuất khẩu cà phê lớn khác cũng được dự báo sẽ tăng sản lượng. Tuy vậy, thời tiết khô và nắng nóng tại các vùng trồng chính ở Brazil trong 10 ngày tới có thể ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thu hoạch, tạo thêm yếu tố bất định cho thị trường.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu Brent và WTI tăng vọt trong phiên 13/5, lần lượt đạt 66,63 USD/thùng (+2,57%) và 63,67 USD/thùng (+2,78%). Đây là mức cao nhất của cả hai loại kể từ cuối tháng 4.
Giá dầu tăng chủ yếu nhờ tâm lý tích cực sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời kéo dài 90 ngày. Dù chưa phải đột phá lớn, thỏa thuận này mở ra kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, trong đó có dầu thô từ phía Mỹ.
Bên cạnh đó, báo cáo lạm phát tháng 4 của Mỹ cũng góp phần củng cố kỳ vọng về một nền kinh tế ổn định hơn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,2% so với tháng trước và 2,3% so với cùng 2024 – mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Điều này làm dấy lên đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ xem xét cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tức tận dụng thời cơ, công khai gây áp lực buộc FED phải cắt giảm lãi suất thông qua mạng xã hội Truth Social. Tuy nhiên, với mục tiêu lạm phát vẫn đặt ở ngưỡng 2%, quyết định của FED tại cuộc họp ngày 19/6 tới vẫn là ẩn số.
Không chỉ vậy, giá dầu còn được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị sau khi Mỹ áp thêm các biện pháp trừng phạt lên hơn 20 công ty bị cáo buộc tham gia vận chuyển dầu thô từ Iran sang Trung Quốc. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau vòng đàm phán thứ tư giữa Washington và Tehran, khiến mối quan hệ song phương trở nên căng thẳng hơn.
Diễn biến thị trường hàng hóa trong phiên 13/5 cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang được cải thiện rõ rệt, nhờ các yếu tố hỗ trợ từ cung - cầu, chính sách và thời tiết. Tuy nhiên, các rủi ro địa chính trị và biến động thời tiết vẫn có thể khiến thị trường đảo chiều bất ngờ.
Giới chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi sát sao diễn biến kinh tế vĩ mô toàn cầu và cập nhật các số liệu cung - cầu từ các thị trường chủ chốt, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hàng hóa bước vào giai đoạn cao điểm của năm.