Khu vực Đông Nam Á chỉ còn có 3 đội tuyển Việt Nam, Thái Lan và Malaysia trong đó Việt Nam đang là nhà đương kim vô địch Đông Nam Á, từng gây tiếng vang tại Asian Cup 2019 (vào tứ kết) là được đánh giá cao nhất.
Thực trạng khu vực
Trước đây, Thái Lan với vị thế số 1 khu vực Đông Nam Á cũng đã “căng buồm ra biển lớn”. Nhớ lại, tuyển Thái Lan khi đó vừa hai lần liên tiếp vô địch Đông Nam Á đã lọt đến vòng loại thứ 3 World Cup 2018 cùng Nhật Bản, Saudi Arabia, Úc, UAE, Iraq. Nhưng đến đây mới gặp các đối thủ châu lục và đã phải nhận những thất bại liên tiếp. Sau 10 trận đấu, đoàn quân xứ Chùa Vàng chỉ giành được 2 điểm (hòa 2, thua 8), đứng bét bảng B.
Xuất ngoại cầu thủ là hướng đi cần thiết
Ngay cả ở cấp độ thấp hơn là châu lục thì sau khi giành Á quân VCK U23 châu Á 2018 tại Trung Quốc thì 2 năm sau quân VCK U23 châu Á 2020 chúng ta cũng đã bị loại ở vòng “gửi xe”. Đẳng cấp của một nền bóng đá chỉ được ghi nhận khi chúng ta lặp đi, lặp lại nhiều lần thành tích, chứ không thể được đánh giá bởi 1 lần gặp may.
Người Thái sau khi về thứ 3 Asian Cup 1972 cũng phải mất 47 năm mới lần thứ 2 vượt qua vòng bảng tại Asian Cup 2019 nhưng rốt cuộc vẫn bị Trung Quốc ngáng đường. Với lợi thế sân nhà, chúng ta vượt qua vòng bảng Asian Cup 2007 với lứa cầu thủ tài năng Công Vinh, Thanh Bình nhưng cũng mất thêm 12 năm mới là lần thứ 2 trong lịch sử đoàn quân áo đỏ mới lặp lại được thành tích.
Nói một cách công tâm thì thời gian gần đây, bóng đá Việt Nam và khu vực đã quan tâm đến đào tạo trẻ và bắt đầu có thành tích. Myanmar giành vé dự U20 World Cup 2014 hay U23 Việt Nam đoạt ngôi Á quân Giải U23 châu Á 2018. Nhưng các nền bóng đá khu Đông Nam Á vẫn chưa cùng nhau thoát ra khỏi “ao làng”.
Các đội bóng Đông Nam Á chỉ nhăm nhăm thuê thầy ngoại để vô địch AFF Cup hay SEA Games, tập hợp của “những chú lùn” chứ chưa nghĩa tới các kế hoạch dài hơi để hướng tới đấu trường lớn hơn. Thái Lan đã có lúc “bỏ lơ” sân chơi này để hướng tới mục tiêu lớn hơn nhưng khi lâm vào cảnh “chân không chạm đất, tay không tới trời” lại đang phân vân. Hơn ai hết Thái Lan thấm thía bao nhiêu lần vô địch AFF Cup hay SEA Games, vẫn trắng tay khi ra giải đấu hơn.
Cần một “công trình sư”
Thực ra, bóng đá Việt Nam đang có Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede làm việc nhiệt tình, chuyên môn tốt. Nhưng VFF chúng ta lại không có đối tác để phối hợp triển khai các lĩnh vực liên quan. Hiện ông Jurgen Gede chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ tư vấn cho đội tuyển quốc gia, chúng ta chưa biết làm cách nào để khai thác chất xám của chuyên gia này.
Mời thêm các chuyên gia giỏi đến Việt Nam làm việc là điều cần thiết. Ảnh VPF
Trong khi đó, ngoài việc hoạch định cho các đội tuyển, ông Gede hoàn toàn có thể xây dựng chiến lược cho các CLB, ngay từ khâu đào tạo HLV, đào tạo trẻ, y học thể thao, các chính sách về dinh dưỡng nhằm cải thiện tầm vóc con người...đến việc quan hệ với FIFA, các liên đoàn bóng đá châu lục.
Tại Việt Nam khi hệ thống các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ còn yếu và thiếu, 2 mảng bóng đá học đường và bóng đá hè phố chưa được quan tâm thì nguồn lực cho đội tuyển quốc gia vẫn khá hạn hẹp. Tính ra chúng ta cũng chỉ có vài trung tâm đạt chuẩn quốc tế về cơ sở vật chất và đội ngũ HLV như PVF, Hà Nội, Viettel hay HAGL.
Nền tảng của đội tuyển quốc gia thuộc top đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc là trước đó tại các World Cup trẻ, các giải trẻ châu Á chúng ta phải có, thường xuyên có mặt sâu. Đây không phải là việc làm trong vài ba năm, nếu không có một “công trình sư” giỏi thì vài chục năm cũng chả làm nên cơm cháo gì.
Bài học bóng đá Trung quốc là một ví dụ cụ thể nhất, dù họ đã tốn không biết bao nhiêu tiền. Quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng được các cột mốc, lộ trình thời gian cụ thể để từ đó huy động nhiều nguồn lực thực hiện hành trình vươn ra châu lục.
Đông Hùng