Theo nguồn tin nội bộ, Bộ Tư pháp Mỹ muốn chia cắt Google ra khỏi tập đoàn mẹ Alphabet, ngay sau khi Tòa án liên bang tuyên công ty này phạm luật chống độc quyền trong thị trường tìm kiếm.
Nếu thành công, đây cũng là lần đầu tiên chính quyền Mỹ giải tán một công ty có hành vi độc quyền trái phép kể từ lần chia tách Microsoft thất bại vào 24 năm trước. Nguồn tin cho biết, ngoài phương án chia tách, các đề xuất khác bao gồm yêu cầu Google chia sẻ nhiều dữ liệu hơn với các đối thủ cạnh tranh, hay ngăn chặn Google có lợi thế không công bằng trong các sản phẩm về AI.
Theo Bloomberg, Chính phủ Mỹ có khả năng sẽ ban hành lệnh cấm các hợp đồng độc quyền, vốn là trọng tâm của vụ kiện chống lại Google.
Bộ Tư pháp có thế đang cân nhắc và thảo luận nhiều đề xuất khác nhau, trong đó có việc chia tách các bộ phận của Google, chẳng hạn như trình duyệt Chrome hoặc hệ điều hành điện thoại thông minh Android. Google cũng có thể phải cung cấp dữ liệu của mình cho các đối thủ cạnh tranh, hoặc bị yêu cầu từ bỏ các thỏa thuận vốn giúp công cụ tìm kiếm của mình trở thành tùy chọn mặc định trên iPhone. Ngoài ra, Google cũng có thể phải loại bỏ một công cụ chạy quảng cáo văn bản trong tìm kiếm.
Các cuộc thảo luận đang trong giai đoạn đầu. Thẩm phán Amit P.Mehta đã yêu cầu Bộ Tư pháp và Google đưa ra quy trình xác định cách khắc phục trước ngày 4 tháng 9. Phiên điều trần đã được lên lịch vào ngày 6 tháng 9 để thảo luận các bước tiếp theo.
Phán quyết hồi tuần trước cho rằng, Google là một công ty độc quyền là phát ngôn mang tính bước ngoặt, qua đó đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về sức mạnh của gã khổng lồ công nghệ trong kỷ nguyên Internet hiện đại. Apple, Amazon và Meta, công ty sở hữu Facebook và Instagram, cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền.
Neil Chilson, cựu Giám đốc công nghệ của Ủy ban Thương mại Liên bang cho biết, việc chia nhỏ Google hoàn toàn là "ảo tưởng".
"Việc chia tách sẽ không giải quyết được hành vi cốt lõi mà tòa án thấy có vấn đề: hợp đồng độc quyền cho các vị trí mặc định", ông nói.
Alden Abbott, cựu cố vấn chung của Ủy ban Thương mại Liên bang cũng cho biết thêm, việc thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp khác nhau của Google sẽ là "thảm họa", nhưng cũng cho biết điều đó khó có thể xảy ra.
“Tòa phúc thẩm trong vụ kiện của Mỹ với Microsoft (2001) đã thẳng thừng từ chối việc chia tách công ty đó, mặc dù hành vi độc quyền bất hợp pháp của công ty này không được tòa án xác định là tạo ra hiệu quả có lợi. Việc chia tách Google có lẽ sẽ không được ra lệnh. Việc chia tách Google cũng sẽ là một trong những hành động phá hoại kinh tế nhất trong biên niên sử chống độc quyền của Mỹ”, ông nói.
Google dự kiến sẽ hầu tòa trong một vụ kiện chống độc quyền khác liên quan đến công nghệ quảng cáo vào tháng tới. Bất kỳ biện pháp khắc phục nào của Bộ Tư pháp cũng có thể ảnh hưởng đến phán quyết của tòa.
Google đã trở thành một gã khổng lồ internet trị giá 2 nghìn tỷ USD thông qua việc xây dựng một doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, Thẩm phán Mehta có thể định hình lại cốt lõi doanh nghiệp hoặc ra lệnh cho công ty từ bỏ các hoạt động lâu đời vốn giúp củng cố sự thống trị. Được biết, Google đã tạo ra 175 tỷ USD doanh thu từ công cụ tìm kiếm và các doanh nghiệp liên quan vào năm ngoái.
“Bộ Tư pháp đang đánh giá quyết định của tòa án”, một phát ngôn viên của cơ quan này cho biết trong một tuyên bố. “Hiện tại chưa có quyết định nào được đưa ra”.
Trước đó, Google bị cáo buộc có những hành động bất hợp pháp như: trả cho Apple, Samsung và Mozilla hàng tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại và trình duyệt web. Hành động này được cho là bất hợp pháp nhằm duy trì vị thế thống lĩnh trong lĩnh vực tìm kiếm.
Theo thẩm phán liên bang, Google đã vi phạm Mục 2 của Đạo luật Sherman. Google nhận được hàng tỷ truy vấn mỗi ngày thông qua các điển truy cập mặc định đó. Họ thu thập khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ từ các tìm kiếm như vậy và sau đó sử dụng chúng để cải thiện chất lượng truy vấn- thẩm phán liên bang cho biết.
Phía Google cho biết, công ty sẽ có kế hoạch kháng cáo với kết quả phán quyết của tòa.
Thu Hằng (T/h)