Tỉnh Bình Dương, với tài nguyên khoáng sản chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường, không có khoáng sản kim loại hay quý hiếm, đang tập trung vào việc khai thác một cách hợp lý và bền vững. Qua điều tra, tổng trữ lượng đá xây dựng trên địa bàn tỉnh được ước tính khoảng 5,122 tỷ m³, sét gạch ngói gần 620 triệu m³, cát xây dựng 24,4 triệu m³, và đất sạn sỏi hơn 14,5 triệu m³. Những nguồn tài nguyên này chủ yếu tập trung tại các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng và Dầu Tiếng.
Theo ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản- Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Dương, hiện có 22 mỏ đá xây dựng đã được cấp phép khai thác, trong đó 19 mỏ vẫn còn hiệu lực, với tổng trữ lượng khoảng 171,74 triệu m³ và công suất khai thác đạt 15,1 triệu m³/năm. Tuy nhiên, chỉ có 4 mỏ đang hoạt động với khả năng cung ứng ra thị trường khoảng 66 triệu m³, công suất khai thác 4,4 triệu m³/năm. Đối với sét gạch ngói, Bình Dương có 26 mỏ được cấp phép, nhưng nhiều mỏ đã ngưng khai thác do tuân thủ Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế sử dụng sét để sản xuất gạch ngói nung.
Bình Dương khai thác khoáng sản theo hướng phát triển bền vững. |
Cũng theo ông Tân, tỉnh Bình Dương có 8 mỏ cát xây dựng được cấp phép, nhưng hiện chỉ có 2 mỏ đang hoạt động với trữ lượng 888.977 m³, công suất khai thác 127.000 m³/năm. Các mỏ còn lại ngưng hoạt động vì chưa có giấy phép môi trường hoặc chưa triển khai dự án. Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch diện tích 125 ha với trữ lượng khoảng 6 triệu m³ đất san lấp, nhưng hiện vẫn chưa có đơn vị nào đầu tư và lập thủ tục cấp phép.
Trong định hướng phát triển, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Dương khẳng định, việc quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản tại Bình Dương phải phù hợp với chiến lược quốc gia về khoáng sản và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Định hướng của tỉnh là chuyển không gian khai thác khoáng sản lên phía Bắc, tập trung vào những vùng đất bạc màu và kém hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản, đồng thời đảm bảo khai thác theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Các hoạt động khai thác sẽ gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, tiết kiệm, bảo đảm sự hài hòa giữa khai thác khoáng sản và các quy hoạch chuyên ngành khác.