Ban lãnh đạo Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar – mã chứng khoán DBD) cho biết, động lực tăng trưởng trong những năm tiếp theo của doanh nghiệp sẽ tiếp tục đến từ nhóm dược phẩm tự sản xuất.
Cụ thể với nhóm thuốc điều trị ung thư, ở dạng thuốc tiêm, Bidiphar đang thực hiện nâng cấp dây chuyền sản xuất từ tiêu chuẩn GMP-WHO lên tiêu chuẩn GMP – EU, dự kiến vào năm 2025. Việc hoàn tất chứng nhận GMP-EU sẽ giúp Bidiphar có thể tham gia vào thị trường lớn hơn nhiều so với doanh thu nhóm thuốc điều trị ung thư ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh nhà máy thuốc điều trị ung thư tiêu chuẩn GMP - EU, Bidiphar cũng có chiến lược đầu tư Nhà máy thuốc OSD Non-betalactam tiêu chuẩn GMP - EU, Nhà máy sản xuất các thuốc vô trùng tiêu chuẩn GMP – EU và Nhà máy sản xuất dược phẩm Dịch thận tiêu chuẩn GMP – WHO. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận giữ lại và nguồn vay khác (ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu).
Theo chiến lược, Bidiphar sẽ đạt doanh thu kênh OTC năm 2026 trên 1.000 tỷ đồng thông qua phát triển thêm các sản phẩm CHC, tăng số lượng khách hàng lên trên 25.000.
Theo thống kê, năm 2022, tổng sản lượng sản xuất của Bidiphar đạt gần 746.000.000 sản phẩm, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu đạt 1.617 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 299 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 100 tỷ đồng.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Công ty Bidiphar xác định: Phấn đấu đạt tổng doanh thu 1.800 tỷ đồng; trong đó, doanh thu hàng dược phẩm do công ty sản xuất đạt 1.700 tỷ; phấn đấu đưa số lượng khách hàng tăng 25%; lợi nhuận trước thuế đạt 260 tỷ đồng.
Để đạt được những mục tiêu trên, HĐQT Công ty đã đề ra một số giải pháp, như: Sẽ khởi công xây dựng 02 nhà máy chế biến dược phẩm mới theo tiêu chuẩn GMP - EU; hoàn thành nhà máy sản xuất thuốc viên điều trị ung thư; tiếp tục hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ để sản xuất một số dòng sản phẩm đặc trị với công nghệ cao, dạng bào chế tiên tiến…
PV (t/h)