BCTC sau kiểm toán cho thấy, Công ty CP B.C.H (BCA/UPCoM) chuyển từ lãi sang lỗ ròng gần 74 tỷ đồng. Sự khác biệt này là do chi phí quản lý doanh nghiệp cao gấp 22,6 lần sau kiểm toán.
Cụ thể, theo báo cáo đã kiểm toán, doanh thu thuần năm 2022 của B.C.H đạt 2.471 tỷ đồng, lợi nhuận gộp thu về là 13 tỷ đồng, giống với báo cáo tự lập trước đó.
Tuy nhiên, khoản chi phí quản lý doanh nghiệp của B.C.H trong báo cáo kiểm toán là gần 80 tỷ đồng trong khi trong báo cáo tự lập chỉ hơn 3,5 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao là do B.C.H trích dự phòng phải thu khó đòi 76,1 tỷ đồng - đây là toàn bộ khoản phải thu của CTCP Luyện gang Vạn Lợi.
Điều này dẫn đến B.C.H lỗ sau thuế 74 tỷ đồng, trái ngược với báo cáo tự lập báo lãi 1,75 tỷ đồng. Khoản lỗ lớn trong năm 2022 khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2022 của B.C.H âm gần 52 tỷ đồng.
Lý giải về khoản chênh lệch trên, BCA cho biết, do thiếu sót trong báo cáo tự lập, Công ty chưa trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, nên chi phí quản lý doanh nghiệp ở báo cáo tự lập chỉ ở mức gần 4 tỷ đồng và ghi nhận lãi ròng gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi kiểm toán, chi phí quản lý cao gấp 22,6 lần, lên gần 80 tỷ đồng, dẫn đến lỗ ròng gần 74 tỷ đồng.
“Công ty xin rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ không tái phạm trong các báo cáo tài chính thời gian tới”, BCA cam kết tại văn bản giải trình.
Tính đến ngày 31/12/2022, BCA ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng có giá trị gần 167 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, Công ty ghi nhận giá trị gốc phải thu CTCP Luyện gang Vạn Lợi là hơn 76,1 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm. Tuy nhiên, cuối kỳ BCA phải trích lập dự phòng hoàn toàn bằng giá trị gốc 76,1 tỷ đồng cho khoản phải thu này.
Như vậy việc phát sinh mới khoản trích lập dự phòng cho khoản phải thu CTCP Luyện gang Vạn Lợi cũng chính là nguyên nhân khiến BCA lỗ ròng gần 74 tỷ đồng sau kiểm toán. Đây cũng là năm đầu tiên Công ty lỗ kể từ khi công bố kết quả kinh doanh.
P.V (t/h)