Bất ngờ phía sau chuyện nhập khẩu gạo từ đối thủ Ấn Độ

05:32 07/01/2021

“Việt Nam không thiếu gạo! Các công ty chỉ nhập khẩu 70.000 tấn, quá nhỏ so với sản lượng của cả nước”...

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây.

Những ngày đầu năm 2021, bên cạnh tin mừng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt đỉnh cao nhất trong 9 năm qua thì thông tin lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ Việt Nam - Nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới bắt đầu nhập khẩu gạo từ đối thủ Ấn Độ đang dấy lên những xôn xao trong giới chuyên môn.

Việt Nam không thiếu gạo!

Tờ Bangkok Post dẫn nguồn tin từ Reuters cho biết, Việt Nam - Nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới đã bắt đầu mua gạo từ đối thủ Ấn Độ lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ. Căn nguyên của động thái này được cho là do nguồn cung giảm.

Thông tin khẳng định, các thương nhân Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm cho các lô hàng tháng 1 và tháng 2/2021 với giá khoảng 310 USD/tấn theo phương thức giao hàng FOB.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn).

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn).

Trước thông tin lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu gạo từ đối thủ Ấn Độ, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khẳng định: Việt Nam không thiếu gạo!

Minh chứng điều này, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản lượng thóc của Việt Nam năm 2020 xấp xỉ 43 triệu tấn (tương đương 21,35 triệu tấn gạo). Lượng gạo xuất khẩu trong năm qua là hơn 6 triệu tấn.

“Tôi khẳng định Việt Nam không thiếu gạo! Các công ty chỉ nhập khẩu 70.000 tấn, quá nhỏ so với sản lượng của cả nước, đây chỉ là chiến lược kinh doanh của một số doanh nghiệp”, ông Cường nói.

Theo các chuyên gia ngành lúa gạo, bên cạnh nhu cầu trữ lương thực của các nước trước dịch bệnh Covid-19, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đạt mức cao do chiếm phần lớn trong sản lượng gạo xuất khẩu là các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm ngon hơn trước. Trong khi đó, nguồn cung từ vụ mới chậm đưa ra thị trường và việc Philippines tiếp tục mua vào đã nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất trong 9 năm.

Tình trạng thiếu hụt container khiến cước phí tàu biển tăng cũng đồng thời trở thành lực đẩy giá gạo Việt Nam tuần trước lên cao nhất từ cuối năm 2011. Thiếu container khiến các nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc vận chuyển gạo cho khách hàng. Tính toán thực tế từ các chuyên gia cho thấy, giá cước tàu biển cho một container 20feet (loại kho cơ bản nhất) từ Việt Nam đến châu Phi từ 1.500 USD vài tháng trước nay đạt 5.000 USD.

Đặc biệt, không thể không nhắc tới câu chuyện gạo thơm ST24,  gạo thơm ST25 đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” cũng góp phần thúc đẩy tăng giá trị cho hạt gạo Việt.

ST25 -

ST25 - "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019".

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được xuất bán ở mức 493 - 497 USD/tấn, cao nhất trong vòng 9 năm qua. Với giá xuất khẩu bình quân đạt 490,6 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam đã tăng mạnh dù sản lượng xuất khẩu giảm.

Hãng tin Reuters cho biết, tuần trước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức 500 USD một tấn, cao nhất kể từ tháng 12/2011. Theo Reuters, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán khoảng 500-505 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với giá của Ấn Độ là 381-387 USD/tấn.

Nhập khẩu để phục vụ chăn nuôi và chế biến

Theo dữ liệu tạm thời của Bộ Thương mại Ấn Độ, năm 2020, Ấn Độ đạt kỷ lục xuất khẩu 14 triệu tấn gạo.

Ông BV Krishna Rao - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ - nói với Reuters hôm 4/1: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi xuất khẩu sang Việt Nam. Giá gạo của Ấn Độ rất hấp dẫn. Sự khác biệt lớn về giá đang khiến việc xuất khẩu trở nên khả thi”.

Các doanh nghiệp nhập khẩu gạo để làm thức ăn chăn nuôi hoặc dùng cho chế biến là chuyện bình thường
Các doanh nghiệp nhập khẩu gạo để làm thức ăn chăn nuôi hoặc dùng cho chế biến là chuyện bình thường. (Ảnh: minh hoạ)

Trong một diễn biến khác, Phó chủ tịch kinh doanh gạo của Olam Ấn Độ - ông Nitin Gupta cho biết, nhu cầu mạnh mẽ từ các nước châu Á và châu Phi cũng đã làm tăng giá gạo Ấn Độ. Tuy nhiên, giá gạo của quốc gia này vẫn rất cạnh tranh do tồn kho nhiều.

“Việt Nam có thể sẽ còn mua nhiều hơn, miễn là vẫn còn sự chênh lệch giá” - Phó chủ tịch kinh doanh gạo của Olam Ấn Độ nhấn mạnh.

Trước đó, hồi tháng 12/2020, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới Trung Quốc bắt đầu mua gạo Ấn Độ lần đầu tiên sau ít nhất ba thập kỷ. Lý do là bởi nguồn cung từ các quốc gia gồm Thái Lan, Myanmar và Việt Nam bị thắt chặt.

Trở lại câu chuyện lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu gạo từ đối thủ Ấn Độ, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường nhấn mạnh rằng loại gạo Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ là 100% tấm. Trong khi đó, người Việt Nam không bao giờ dùng loại gạo này để nấu cơm vì chất lượng thấp.

Ở một góc nhìn khác, các thương nhân tại Việt Nam cho biết, gạo từ Ấn Độ đã được dự trữ trong kho dự trữ của chính phủ từ năm 2016-2017 và mức giá khá rẻ phản ánh chất lượng gạo thấp.

“Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ có chất lượng kém nên không thể dùng để nấu cơm, chủ yếu được sử dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất bún, phở và làm nguyên liệu cho các nhà máy bia. Thêm vào đó, giá gạo của Ấn Độ hiện nay khá thấp so với giá gạo của Việt Nam. Bởi vậy, các doanh nghiệp nhập về để làm thức ăn chăn nuôi hoặc dùng cho chế biến là chuyện bình thường”, ông Nguyễn Văn N - một thương nhân kinh doanh gạo có trụ sở tại thành phố Cần Thơ hé lộ.

Là chủ một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, gạo 100% tấm của Ấn Độ chất lượng rất thấp và thường dùng cho các mục đích khác.

“Khách hàng nước ngoài có thể đặt Việt Nam gạo 100% tấm nhưng thời điểm này rất khan hàng. Do đó, không loại trừ khả năng doanh nghiệp nhập gạo 100% tấn từ Ấn Độ sau đó xuất khẩu sang nước khác”, ông Bình đưa ra nhận định.

Trần Linh