Báo động kinh tế nhân khẩu học, Trung Quốc không còn nhiều thời gian

16:31 13/05/2021

Với vị thế cường quốc lớn thứ hai thế giới, tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc của Trung Quốc là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên quốc gia này đang đứng trước vấn nạn sụt giảm lực lượng lao động nghiêm trọng.

Dữ liệu điều tra dân số được công bố hôm thứ Ba cho thấy tổng dân số của Trung Quốc tăng 5,8% trong thập kỷ qua, tốc độ tăng chậm nhất kể từ những năm 1960. Báo cáo cũng cho biết lực lượng lao động của đất nước đang ngày càng giảm sút, cụ thể số lao động trong độ tuổi từ 15 đến 59 giảm xuống dưới 900 triệu người, thấp hơn khoảng 7 điểm phần trăm so với một thập kỷ trước đó. Đây là một tin tức không mấy có lợi cho đất nước tỉ dân trong bối cảnh Trung Quốc mong muốn vượt qua Hoa Kỳ. Trước đó, Lin Yifu, cố vấn chính phủ đã cảnh báo tình trạng này tại một diễn đàn hồi tháng 3 và dự đoán xảy ra sớm nhất vào năm 2030 nếu đất nước duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 5 đến 6%. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Theo tính toán của Yue Su, nhà kinh tế tại Economist Intelligence Unit ở London, lực lượng lao động Trung Quốc có thể giảm khoảng 5% trong thập kỷ tới. Yue cho biết: “Trung Quốc đã phải đối mặt với hiện trạng suy giảm lực lượng lao động kể từ năm 2017 và trong tương lai có khả năng hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của đất nước. Cổ tức nhân khẩu học đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong những năm gần đây nhưng sớm muộn cũng sẽ tiêu tan nếu không giải quyết vấn đề kịp thời”. Trung Quốc hiện đang rơi vào tình thế già hóa dân số giống như Nhật Bản những năm 1990 với 13,5% dân số từ 65 tuổi trở lên. Larry Hu, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc của Macquarie Group, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu: “Thực tế phũ phàng là Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Một thực tế phũ phàng hơn là Trung Quốc đang già đi trước khi trở nên giàu có”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Nhân khẩu học không phải là thách thức duy nhất của cường quốc thứ hai thế giới. Kế hoạch phục hồi kinh tế hậu đại dịch của Trung Quốc phục thuộc rất nhiều vào hỗ trợ của chính phủ nhưng chuỗi các sự kiện phá sản và vỡ nợ của các công ty nhà nước đang làm trầm trọng thêm tình hình hiện tại. Ngoài ra, những cuộc biểu tình ở Hồng Kông, báo cáo vi phạm nhân quyền ở Tân Cương gia tăng căng thẳng với phương Tây, đe dọa và tổn hại đến nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo Ning Jizhe, người đứng đầu Cục Thống Kê nước này cho biết, già hóa dân số không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội bởi nhóm những người cao tuổi đang thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều đối với các mặt hàng tiêu dùng công nghệ. Nhưng dù thế nào thì trước mắt, tiêu cực vẫn nhiều hơn tích cực, các nhà phân tích một lần nữa nhấn mạnh: “Trung Quốc đang phải đi tìm ẩn số nhân khẩu học trong thế hệ tiếp theo”.

TL