Báo cáo tài chính, giải pháp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

23:13 07/12/2021

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được Nhà nước đặc biệt quan tâm bằng nhiều chính sách ưu đãi nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn như thiếu hụt vốn sản xuất kinh doanh, thiếu niềm tin ở các nhà đầu tư. Để tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng, cũng như việc kêu gọi góp vốn từ các nhà đầu tư, thì một trong những hồ sơ không thể thiếu là báo cáo tài chính.

Báo cáo tài chính (BCTC) dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. BCTC phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về: Tài sản; nợ phải trả; vốn chủ sở hữu; doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác; lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh; các luồng tiền.

Ngoài các thông tin này, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các BCTC tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày BCTC.

Loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ một vai trò quan trọng bởi những đóng góp có ích cho xã hội. Vì vậy, Nhà nước đã rất chú trọng đến việc khuyến khích loại hình doanh nghiệp này phát triển thông qua nhiều chính sách hỗ trợ tích cực như chương trình hỗ trợ vốn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ một vai trò quan trọng bởi những đóng góp có ích cho xã hội. Vì vậy, Nhà nước đã rất chú trọng đến việc khuyến khích loại hình doanh nghiệp này phát triển thông qua nhiều chính sách hỗ trợ tích cực như chương trình hỗ trợ vốn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. (Ảnh: Minh họa)

Nhà nước thường sử dụng các tiêu chí như nguồn vốn và số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp để xác định. Những định nghĩa về DNNVV được quy định qua các văn bản pháp luật như sau:

DNNVV là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. Đồng thời, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội cụ thể của ngành, địa phương, trong quá trình thực hiện các biện pháp, chương trình trợ giúp có thể linh hoạt áp dụng đồng thời cả hai chỉ tiêu vốn và lao động.

Khó khăn hiện nay của các DNNVV là thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng gặp nhiều khó khăn mà một trong những nguyên nhân liên quan đến công tác kế toán. Cụ thể, DNNVV thường không đảm bảo tính minh bạch trong BCTC, sổ sách kế toán chưa được thực hiện đầy đủ, chính xác, minh bạch, công khai. Việc quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng mang tính chất gia đình, báo cáo chính thức thường thấp hơn tình trạng thực tế. Mặt khác, DNNVV thường bán hàng không có hợp đồng, không tuân thủ chế độ phát hành hóa đơn bán hàng, không thanh toán qua ngân hàng,…

Tất cả những điều này đã làm cho việc phân tích, đánh giá tình hình tài chính của DNNVV không đủ độ tin cậy, ảnh hưởng đến quyết định xem xét cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với doanh nghiệp. Do đó, tỷ lệ DNNVV tiếp cận được vốn vay ngân hàng thấp so với nhu cầu vốn thực sự. Thế nhưng tất cả những điều kiện trên vẫn chưa thấy nhiều doanh nghiệp làm đầy đủ, chính xác và được thể hiện trong BCTC, do những hạn chế trên nên đã dẫn tới cảnh người có vốn - người cần vốn không gặp được nhau.

Một nghiên cứu về hoàn thiện tổ chức công tác kế toán cho các DNNVV ở Việt Nam, dữ liệu thu thập về việc tổ chức cung cấp thông tin qua hệ thống báo cáo kế toán như sau: BCTC chưa phản ánh đầy đủ tình hình tài chính, kinh doanh, luồng tiền của đơn vị, qua khảo sát cho thấy có 54% ý kiến đồng ý và 33% ý kiến hoàn toàn đồng ý về vấn đề này.  

Đầu năm 2021, tác giả vừa thực hiện một cuộc khảo sát có liên quan đến BCTC. Với tổng số phiếu khảo sát là 100 phiếu cho mỗi nhóm đối tượng. Đối tượng khảo sát là các kế toán trưởng đang làm việc trong các DNNVV tại TP.HCM và nhóm những người sử dụng BCTC của DNNVV có trình độ từ đại học đến sau đại học có kiến thức về kinh doanh, hoạt động kinh tế và hiểu biết về kế toán đang làm việc tại TP.HCM. Sau đây là kết quả khảo sát mà chúng tôi thu thập được:

Trong một bộ BCTC bao gồm 4 bản báo cáo: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Bảng thuyết minh BCTC. Khi thăm dò ý kiến của nhóm đối tượng là các kế toán trưởng thì 60% ý kiến cho rằng với số lượng báo cáo như vậy là vừa phải, không quá nhiều cũng không quá ít, còn lại 40% thì cho là nhiều và theo họ chỉ cần 3 bản báo cáo là phù hợp.

Thông thường các kế toán trưởng chịu nhiều áp lực vào thời gian 3 tháng đầu của niên độ kế toán vì phải hoàn thành bộ BCTC cho niên độ kế toán liền kề trước đó. Do đó, số lượng báo cáo càng nhiều thì họ càng chịu nhiều áp lực hơn. Cũng cùng nội dung câu hỏi này thực hiện khảo sát nhóm đối tượng sử dụng BCTC, thì chỉ có 10%  ý kiến cho rằng số lượng 4 bản báo cáo là vừa đủ. Còn lại đến 90% ý kiến thì chưa hài lòng với số lượng báo cáo như hiện nay. Những con số mà họ mong muốn là từ 5 đến 6 bản báo cáo để họ có được nhiều thông tin hơn về doanh nghiệp mà họ muốn tìm hiểu.

Lượng thông tin được trình bày trên BCTC theo quy định của Bộ Tài chính hiện nay liệu như vậy đã đầy đủ chưa, dư thừa hay còn thiếu. Nhóm các kế toán trưởng chọn 100% đồng ý với lượng thông tin cung cấp từ các BCTC là đã quá đầy đủ, không cần phải bổ sung thêm bất kỳ thông tin nào cả.

Trái ngược gần như hoàn toàn với ý kiến trên là khoảng 91% nhóm người sử dụng BCTC thì cho rằng lượng thông tin như vậy vẫn còn thiếu, họ cần biết thêm về các phương án kinh doanh trong thời gian sắp tới và những biến động về tình hình nhân sự của doanh nghiệp. Vì họ cho rằng hiện tại có thể tình hình tài chính của doanh nghiệp chưa tốt nhưng nếu doanh nghiệp có bản kế hoạch kinh doanh tốt thì trong tương lai khả năng sinh lời sẽ rất cao. Thêm vào đó là nếu một doanh nghiệp tốt thì tình hình nhân sự cũng sẽ ít biến động hơn.

Lập BCTC là công việc hết sức quan trọng và tốn nhiều công sức. Với 3 vấn đề khó khăn thường hay gặp trong thực tế để khảo sát các kế toán trưởng đang thực hiện công việc lập BCTC cho các DNNVV tại TP.HCM như sau: Việc cập nhật kịp thời các văn bản pháp lý có liên quan; Bị hạn chế về trình độ chuyên môn hay cố gắng che đậy những thông tin không hay nào đó dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng doanh nghiệp.

Một sự thật ngạc nhiên khi kết quả thu được là khoảng 80% các kế toán trưởng gặp khó khăn khi phải cố gắng điều chỉnh những con số hay che lắp một thông tin nào đó gây bất lợi cho doanh nghiệp khi công bố ra bên ngoài theo yêu cầu của Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Khoảng 20% ý kiến là họ không kịp thời cập nhật những thay đổi của pháp luật có liên quan đến kế toán vì có quá nhiều văn bản pháp lý ban hành trong cùng thời gian. Tất cả các kế toán trưởng đều tự tin rằng họ có đủ năng lực và trình độ chuyên môn để đảm trách công việc của họ.

Toàn bộ phiếu khảo sát thực tế cho thấy rằng 100% các DNNVV đều mong muốn được vay vốn ngân hàng nhưng chỉ có khoảng 20% được ngân hàng cấp tín dụng như mong muốn, 30% được cấp tín dụng nhưng số tiền được vay thấp hơn so với yêu cầu của doanh nghiệp, còn lại 50% doanh nghiệp hoàn toàn chưa được tiếp cận vốn vay ngân hàng hay đang làm thủ tục vay.

Như vậy những khó khăn nào làm cản trở doanh nghiệp trong việc vay nợ ngân hàng. Khó khăn lớn nhất vẫn là việc thẩm định những con số được trình bày trên BCTC chiếm tỷ lệ khoảng 70%, 25% gặp khó khăn về giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, chỉ có 5% là phương án kinh doanh chưa thuyết phục.

Đối với những người sử dụng BCTC được chúng tôi khảo sát thì họ có suy nghĩ gì về những thông tin được trình bày trên BCTC? Khi xem BCTC mà doanh nghiệp đã chính thức công bố ra bên ngoài chỉ có khoảng 16% số người được khảo sát tin tưởng hoàn toàn những con số trên báo cáo.

Vì họ cho rằng khi đã công bố ra ngoài chắc hẳn sẽ được doanh nghiệp kiểm tra rất kỹ lưỡng. Số người chỉ tin tưởng một phần những thông tin mà BCTC cung cấp chiếm tỷ lệ 53%, còn lại 31% họ hoàn toàn không tin cậy những con số ấy. Những chỉ tiêu họ thường nghi ngờ gian lận là doanh số, hàng tồn kho và nợ vay.

Kết quả khảo sát cho thấy: chỉ tiêu doanh thu bị nghi ngờ gian lận chiếm: 45%, hàng tồn kho: 30%, các khoản nợ phải trả: 25%. 

Các doanh nghiệp có xu hướng kê thật cao chỉ tiêu doanh thu, trong khi đó các khoản vay và các khoản nợ phải trả lại muốn giảm bớt để gây ấn tượng cho các nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp có xu hướng kê thật cao chỉ tiêu doanh thu, trong khi đó các khoản vay và các khoản nợ phải trả lại muốn giảm bớt để gây ấn tượng cho các nhà đầu tư. (Ảnh: minh họa)

Trong số những người chưa tin tưởng những thông tin trên báo cáo tài chính, vậy thì điều kiện nào để thuyết phục họ rằng, báo cáo tài chính đã được trình bày một cách trung thực và hợp lý? Báo cáo tài chính trước khi công bố phải được kiểm toán, có nghĩa là BCTC này phải được đính kèm thêm văn bản trình bày ý kiến của kiểm toán viên độc lập, điều kiện này chiếm tỷ lệ 45%. Và một điều kiện khác có vẻ chắc chắn hơn, là BCTC đã được đoàn thanh tra của cơ quan thuế quyết toán, với điều kiện này thì chiếm tỷ lệ đến 55%.

Nguyễn Thị Hương