Có một điểm chung trong 3 lần Chelsea lọt vào chung kết Champions League, đó là họ đều… thay tướng giữa mùa giải. Và cả 3 HLV lên thay thế là Avram Grant, Di Matteo và Thomas Tuchel đều tạo nên dấu ấn đặc biệt. Trong đó, Di Matteo và Thomas Tuchel đã mang về chức vô địch Champions League.
Thế mới nói rằng, Chelsea là đội bóng đặc biệt. Trong cầm quân, việc "trảm tướng" ở giữa trận chiến là điều đại kị. Nó sẽ khiến cho đội ngũ trở nên xao động, lộn xộn. Thế nhưng, điều đó không hề đúng ở Chelsea, một đội bóng có truyền thống "thay HLV như thay áo".
Có không ít người đặt ra câu hỏi về sự "tàn nhẫn" của ông chủ Abramovich trong quá khứ, khi sẵn sàng "trảm" những công thần (như Di Matteo, Sarri, Benitez bị sa thải không lâu sau khi vô địch cúp châu Âu, Mourinho đã hai lần bị sa thải giữa mùa dù thành công rực rỡ).
Nhưng rõ ràng, không ai có quyền dạy tỷ phú tiêu tiền. Chức vô địch Champions League của Chelsea dưới thời Thomas Tuchel tiếp tục minh chứng rõ nét cho điều này.
Mỗi đội bóng có triết lý, cách xây dựng khác nhau. Man Utd có thể đi cùng Sir Alex Ferguson trong hàng thập kỷ. Ngay cả sau này, khi Solskjaer liên tiếp trắng tay, ông vẫn được tin tưởng tuyệt đối. Cả Liverpool và Man City đều xây dựng chiến lược dài hạn cùng Jurgen Klopp và Pep Guardiola.
Tuy nhiên, Chelsea lại không đi theo con đường ấy. Tính ra, kể từ năm 2003 tới nay (tức 18 năm), ông chủ Abramovich đã bổ nhiệm tới… 17 HLV. Trung bình, mỗi năm The Blues thay một HLV.
Thông thường, việc thay tướng như thay áo là biểu hiệu của sự bất ổn. Thế nhưng, Chelsea lại không như vậy. Trong kỷ nguyên Abramovich, đội bóng thành London đã 2 lần vô địch Champions League, 2 lần đăng quang Europa League, giành 5 chức vô địch Premier League, 4 FA Cup, 3 League Cup… Họ là một trong những CLB thành công nhất trong thời gian này.
Thực tế, Chelsea không gắn chặt với triết lý riêng của HLV nào, mà đi theo đường lối quản lý "từ trên cao" của ông chủ Abramovich và cánh tay phải "bà đầm thép" Marina Granovskaia. Vì điều đó, việc sa thải HLV liên tục không nằm ngoài triết lý của CLB. Ở khía cạnh khác, việc thay đổi HLV liên tục cũng giúp The Blues luôn tìm được nét mới, thay vì gắn chặt với triết lý của HLV cố định (dễ bị bắt bài).
Ở góc độ kinh tế, việc không đạt hiệu quả như ý đương nhiên là thất bại. Và khi một chi tiết hỏng hóc đương nhiên cần sự thay thế. Abramovich có thể làm tất cả những gì ông thích, miễn là đảm bảo thành công và lợi nhuận.
Bởi triết lý của CLB, nội bộ của Chelsea cũng có tính đặc thù riêng. Họ có thể uể oải, thậm chí được xem là "làm phản", "kéo ghế" Mourinho, Conte… nhưng lại mang sức sống mới dưới thời HLV lên thay thế.
Sự "lột xác" của Chelsea dưới thời HLV Thomas Tuchel là ví dụ điển hình. Không phủ nhận tài năng của chiến lược gia người Đức đã giúp hàng thủ của The Blues chắc chắn hơn hay giúp những gương mặt hàng công như Timo Werner hay Kai Havertz tươi sáng hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy chưa chắc có thể giúp toàn đội "lột xác" ngay lập tức nếu như bản thân họ không tự "sốc lại tinh thần".
Nói vậy để thấy, HLV Chelsea là công việc "hết sức bấp bênh". Khi còn duy trì được sự đồng lòng, họ giống như con thuyền căng buồm lướt gió và ngược lại, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Trong mắt những cầu thủ Chelsea, HLV cũng như người làm công ăn lương giống họ, không có nghĩa là thầy.
Dù sao thì Thomas Tuchel đã ghi danh vào lịch sử của Chelsea. Nhưng có thể những điều khắc nghiệt nhất vẫn đang chờ đợi ông trước mắt bởi "thói quen" của CLB.
PV/Theo dantri