Australia cân nhắc các biện pháp để hạn chế rủi ro từ công nghệ AI

16:24 02/06/2023

Trong lúc nhiều quốc gia khác đã kế hoạch ban hành luật về hạn chế những thiệt hại do công nghệ AI mang lại thì tại Australia các quy định này vẫn chưa được đưa thành luật.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sự ra đời của một số công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo như công cụ ChatGPT hay công cụ tạo hình ảnh Midjourney không chỉ mang đến nhiều bất ngờ cho thế giới mà còn khiến nhiều người lo ngại vì những việc mà các công cụ này có thể làm được.

Tại Australia đã xuất hiện lo ngại về lỗ hổng về luật pháp và quy định áp dụng đối với các công nghệ hiện đại này. Trong bối cảnh đó, Australia đã thông báo có kế hoạch điều chỉnh chính sách quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) bao gồm khả năng áp đặt lệnh cấm đối với các công nghệ Deepfake (công nghệ sử dụng AI để tạo ra những hình ảnh giả lập chân thật) trong bối cảnh lo ngại công nghệ này có thể bị lạm dụng.

Động thái này diễn ra sau cuộc họp các nhà quản lý AI hàng đầu trước đó trong tuần này khi họ nêu ra "nguy cơ tuyệt chủng do AI" và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem những nguy cơ này như những rủi ro do đại dịch và chiến tranh hạt nhân gây ra.

Một báo cáo của Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia Australia được công bố mới đây cho thấy, nội dung do AI tạo ra có thể bị lạm dụng trong các cuộc tham vấn của quốc hội bằng cách tạo ra một loạt các thông tin để đánh lừa dư luận. “Các chính phủ có vai trò rõ ràng trong việc nhận ra rủi ro và đưa ra các biện pháp kiềm chế", Bộ trưởng Công nghiệp và Khoa học Australia Ed Husic cho biết. 

Trước đó, vào năm 2018, Australia là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành khuôn khổ đạo đức trong việc sử dụng có trách nhiệm trí tuệ nhân tạo. Tuy vậy đến nay, trong lúc nhiều quốc gia khác như Mỹ, Anh, Canada và Liên minh Châu Âu đã ban hành luật hoặc lên kế hoạch ban hành luật về hạn chế những thiệt hại do công nghệ mang lại thì tại Australia các quy định này vẫn chưa được đưa thành luật. Trong bối cảnh này, những thông tin và bước đi mà Australia công bố sẽ là một nỗ lực đưa nước này tiến gần hơn tới việc pháp điển hóa các quy định về việc phát triển và sử dụng các công nghệ tiên tiến.

Ông Husic thừa nhận vẫn còn những lỗ hổng trong luật về bản quyền, quyền riêng tư và bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời cho biết, Chính phủ Australia muốn đảm bảo các khung pháp lý của họ "phù hợp với mục đích" trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI.

Các nhà lập pháp châu Âu vào tháng trước đã tiến gần hơn đến việc thông qua luật điều chỉnh AI, có khả năng là luật AI toàn diện đầu tiên trên thế giới và tạo thành tiền lệ giữa các nền kinh tế tiên tiến.