![]() |
Trợ lý ảo Siri sắp phải nhường sân chơi cho các đối thử AI |
Siri đi từ tiên phong đến thách thức
Ra mắt từ năm 2011 trên iPhone 4S, Siri từng là một bước đột phá về công nghệ nhận diện giọng nói, giúp người dùng tương tác với thiết bị một cách tự nhiên hơn. Tuy nhiên, trong khi Siri gần như không có đối thủ trên thiết bị Apple trong suốt nhiều năm, thì giới công nghệ dần nhận thấy sự chậm trễ của Siri trong việc cập nhật các khả năng thông minh, linh hoạt như các trợ lý AI hiện đại.
Một trong những nguyên nhân chính khiến Siri trở nên “tụt hậu” là vì Apple duy trì chính sách bảo mật dữ liệu người dùng một cách nghiêm ngặt. Mặc dù đây là điểm mạnh về quyền riêng tư, nhưng nó cũng là rào cản lớn khiến Apple khó thu thập dữ liệu để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do đây là yếu tố cốt lõi giúp các nền tảng AI như ChatGPT hay Gemini phát triển vượt bậc. Theo thông tin từ Bloomberg, Apple đang nghiêm túc cân nhắc việc mở rộng lựa chọn trợ lý ảo cho người dùng iPhone, cho phép họ thiết lập các nền tảng như: ChatGPT, Amazon Alexa hoặc Google Gemini làm trợ lý mặc định trên thiết bị.
Đây không chỉ là một bước đi chiến lược để bắt kịp làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) đang lan rộng mà còn là phản ánh của những áp lực đang bủa vây Apple – từ sự phát triển thần tốc của các đối thủ, đến yêu cầu ngày càng chặt chẽ của các cơ quan quản lý quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU).
Apple Intelligence chưa kịp bứt phá
Dù đã công bố tính năng Apple Intelligence là bộ công cụ AI tích hợp sâu vào hệ điều hành IOS nhưng việc triển khai đại trà vẫn còn chậm. Nhiều người dùng iPhone vẫn chưa thể trải nghiệm đầy đủ các tiện ích mà Apple hứa hẹn, dẫn đến sự hoài nghi về năng lực cạnh tranh của hãng trong thời đại AI. Theo Bloomberg, sự chậm trễ này không chỉ đến từ kỹ thuật mà còn phản ánh những khó khăn nội tại trong chiến lược AI của Apple. Một số nguồn tin còn cho biết Apple có thể sẽ thực hiện tái cấu trúc các bộ phận kỹ thuật tại trụ sở Cupertino và thay đổi nhân sự cấp cao để đẩy nhanh tiến trình đổi mới trong mảng này.
Apple đang buộc phải linh hoạt thích ứng
Không chỉ chịu áp lực từ thị trường, Apple còn phải đối mặt với yêu cầu tuân thủ các quy định cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt tại châu Âu. Theo các điều khoản mới từ EU, các nhà sản xuất thiết bị điện tử sẽ không được phép độc quyền áp đặt phần mềm mặc định, mà phải cho người dùng quyền lựa chọn.
Nếu Apple chính thức cho phép người dùng thay Siri bằng trợ lý AI bên ngoài thì sẽ được coi là thay đổi lớn nhất trong hệ sinh thái IOS từ trước đến nay. Người dùng iPhone sẽ có thể cá nhân hóa trải nghiệm tương tác bằng giọng nói theo ý thích từ ChatGPT với khả năng trả lời thông minh, đến Alexa với hệ sinh thái nhà thông minh phong phú, hay Gemini của Google vốn nổi bật nhờ sức mạnh tìm kiếm.
Nếu Apple thực sự cho phép thay thế Siri bằng các trợ lý AI như ChatGPT hay Alexa, đây sẽ không chỉ là sự thay đổi phần mềm mà còn là bước ngoặt văn hóa và chiến lược đối với hãng công nghệ lớn nhất thế giới. Từ một hệ sinh thái khép kín, Apple buộc phải chuyển mình để thích nghi với thời đại AI. Kịch bản giữ lại Siri như một lựa chọn song song hay tích hợp Siri với các công nghệ AI mới có thể là hướng đi của Apple.