![]() |
Apple bất ngờ bứt phá tại Trung Quốc nhờ iPhone giảm giá "khủng" |
Sau nhiều tháng tụt dốc không phanh trên thị trường smartphone lớn nhất thế giới, Apple bất ngờ trở lại ngoạn mục tại Trung Quốc, vươn lên dẫn đầu với 21,5% thị phần chỉ trong một tuần. Động lực phía sau cú lội ngược dòng này đến từ một chiến lược chưa từng có tiền lệ, chiến lược giảm giá mạnh dòng iPhone 16 mới nhất.
Apple vốn nổi tiếng với chính sách “nói không” với giảm giá trực tiếp, đặc biệt là đối với các sản phẩm mới. Tuy nhiên, trước sức ép ngày càng lớn từ các đối thủ nội địa như Huawei và Xiaomi, cùng với sự tụt giảm doanh số kéo dài, hãng công nghệ Mỹ đã buộc phải phá lệ.
Từ ngày 15/5, trên các nền tảng thương mại điện tử lớn như JD.com và Tmall, mẫu iPhone 16 Pro 128GB được bán với giá chỉ khoảng 5.469 – 5.499 nhân dân tệ (tương đương 760 USD), giảm tới 2.500 – 2.530 tệ so với giá niêm yết của Apple Trung Quốc. Đây là mức giảm hiếm hoi với sản phẩm mới ra mắt của "Táo khuyết".
Kết quả là chỉ trong một tuần, theo PhoneArena và các nguồn tin nội địa, đã có hơn 520.000 chiếc iPhone 16 Pro và 320.000 chiếc iPhone 16 Pro Max được kích hoạt. Người tiêu dùng Trung Quốc đổ xô mua hàng, tạo ra cơn sốt hiếm thấy và nhanh chóng đưa Apple trở lại vị trí dẫn đầu thị trường smartphone nước này.
Trước cú bật dậy ngoạn mục này, Apple từng chứng kiến thị phần tụt giảm nghiêm trọng tại Trung Quốc. Có ba lý do chính. Thứ nhất, Apple Intelligence chưa khả dụng: Điểm nhấn quan trọng nhất của dòng iPhone 16 là tính năng AI Apple Intelligence vẫn chưa được cung cấp tại Trung Quốc, khiến sản phẩm kém hấp dẫn hơn so với mong đợi.
Thứ hai, đối thủ nội địa vươn lên mạnh mẽ: Huawei, Xiaomi cùng loạt thương hiệu Trung Quốc khác liên tục cải tiến công nghệ, tung ra sản phẩm chất lượng cao với giá hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu người dùng nội địa.
Thứ ba, yếu tố địa chính trị: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là các tuyên bố từ thời chính quyền Donald Trump về việc áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, đã dẫn đến làn sóng “người Trung Quốc dùng hàng Trung Quốc” nhằm thể hiện lòng yêu nước. Việc Apple chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc càng khiến người tiêu dùng bản địa xa lánh thương hiệu Mỹ.
Ngoài nỗ lực giảm giá từ Apple, theo một số báo cáo, chính phủ Trung Quốc cũng đã hỗ trợ hãng này thông qua các chính sách trợ giá hoặc ưu đãi ngầm nhằm duy trì sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Động thái này được cho là không chỉ giúp Apple phục hồi thị phần mà còn củng cố vị thế trong các cuộc đàm phán quốc tế về thương mại và thuế quan.
Mặc dù Apple đang tận hưởng khoảnh khắc dẫn đầu, nhưng thành công này không bảo đảm sự ổn định lâu dài. Các hãng nội địa chắc chắn sẽ không đứng yên. Áp lực cạnh tranh tại thị trường đông dân nhất thế giới này sẽ ngày càng gay gắt, nhất là khi xu hướng tiêu dùng đang dần thay đổi và công nghệ AI trở thành tiêu chí lựa chọn thiết bị hàng đầu. Một điều chắc chắn, "trận chiến" smartphone tại Trung Quốc vẫn còn rất dài, và Apple dù là ông lớn toàn cầu cũng phải học cách thích nghi nhanh hơn, linh hoạt hơn để giữ chân người dùng địa phương.