Chuyến bay của Branson cất cánh vào Chủ nhật vừa qua, trong khi hành trình dự kiến của Bezos là ngày 20 tháng 7. Thế nhưng ai mới là người chiến thắng thực sự trong cuộc đua không gian này?
Giới truyền thông không tiếc lời cơ ngợi Bezos, Branson và Musk là bộ ba ông trùm vũ trụ với những điểm tương đồng: Tất cả đều tạo dựng cơ nghiệp trong các ngành công nghiệp khác trước khi tập trung vào các dự án ngoài trái đất. Cụ thể, Elon Musk dẫn đầu trong thanh toán trực tuyến và ô tô điện, Bezos với Amazon, Branson với đế chế kinh doanh mang thương hiệu Virgin. Giờ đây thay vì các gã khổng lồ ngành công nghiệp tư nhân chạy đua, thay vì các chính phủ phương Tây đối chọi với phương Đông, cuộc đấu mới nhất lại nằm trong vòng tròn của giới lắm tiền nhiều của nước Mỹ. Tất nhiên đây không phải ba gương mặt duy nhất trong trò chơi. Có hàng trăm công ty khởi nghiệp không gian trên thế giới đang cạnh tranh với SpaceX, Blue Origin và Virgin. Tuy nhiên lợi thế của bộ ba mới nổi nhờ các mối quan hệ đối tác với NASA và quân đội Hoa Kỳ.
Elon Musk
Ngay từ năm 2002, Elon Musk đã xây dựng hệ thống tên lửa vệ tinh và giành được các hợp đồng quân sự lớn của NASA. SpaceX đã tạo ra một trong những loại tên lửa mạnh nhất, phát triển tàu vũ trụ đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế thành công. Hiện công ty đang nghiên cứu chế tạo tàu đưa con người lên mặt trăng và sao Hỏa. Trong khi đó, cả công ty của Branson và Bezos đều thất bại trong đưa phi hành gia lên quỹ đạo.
Cũng trong thời gian này, SpaceX là gương mặt vượt trội, thu được lượng lớn những người ủng hộ nhiệt thành. Không thể phủ nhận rằng SpaceX thường xuyên là người tiên phong trong lĩnh vực không gian thương mại bằng cách phá vỡ các kỷ lục, làm nên lịch sử và hoàn thành những điều mà các chuyên gia trong ngành từng cho là không khả thi. Tên tuổi của Elon Musk gắn với danh hiệu “phá vỡ ngành công nghiệp tên lửa” vốn đã khá trì trệ và kém thú vị trong vài thập kỷ trước khi SpaceX xuất hiện.
Tuy nhiên, mặt khác, bản thân Musk vẫn chưa du hành vào không gian, cũng như chưa công bố dự định tương lai. Musk chỉ bày tỏ “muốn được chết trên sao Hỏa” khi nói về ước mơ không gian của mình. Vị tỷ phú trẻ vẫn không tránh khỏi tai tiếng khi nhiều người chỉ trích anh cũng giống như những người khác chỉ quan tâm đến lợi nhuận trái ngược mục tiêu đã công bố “tạo ra sự sống đa hành tinh”.
Jeff Bezos
Thành lập Blue Origin năm 2000, sáu năm sau khi Amazon ra đời, tỷ phú Jeff Bezos đã đặt ra phương châm cho công ty vũ trụ là “gradatim ferociter”, một cụm từ tiếng Latinh có nghĩa là “từng bước một, hung tợn” lấy linh vật là con rùa. Câu chuyện ngụ ngôn về thỏ và rùa trở thành thần chú “chậm mà chắc” trong mọi cuộc đua. Bezos cho biết: “Linh vật của chúng tôi là con rùa bởi vì chúng tôi tin rằng chậm là mượt và mượt là nhanh”. Đây có thể được coi là một nỗ lực nhằm định vị Blue Origin là đối thủ trực tiếp của SpaceX.
Trong nhiều năm qua, công ty hoạt động khá kín tiếng, nhưng giờ đây Bezos, tỷ phú top đầu thế giới mong muốn đưa con người đến, làm việc và sinh sống trong một không gian khác nhằm kéo dài tuổi thọ của loài người sau khi Trái đất rơi vào cuộc khủng hoảng khan hiếm năng lượng về mặt lý thuyết. Công ty cũng đã lên kế hoạch cho một tàu đổ bộ mặt trăng và hợp tác với NASA thiết lập một căn cứ tại đây.
New Shepard, tên lửa quỹ đạo hoàn toàn tự động, có thể tái sử dụng của Blue Origin dự định là bước đầu dự án tàu đổ bộ mặt trăng. Bên cạnh đó, công ty cũng đang hướng phương tiện New Shepard thành một ngành kinh doanh du lịch vũ trụ dưới quỹ đạo, bao gồm bán vé cho những người muốn thám hiểm không gian. Bezos và ba người khác sẽ là những hành khách đầu tiên trên tàu New Shepard.
Ở hậu phương, Blue Origin nghiên cứu những công nghệ tham vọng hơn. Công ty đã đặt ra kế hoạch cho một tên lửa quỹ đạo khổng lồ có tên là New Glenn và bán động cơ cho tên lửa này cho công ty hàng không vũ trụ United Launch Alliance, một liên doanh giữa Lockheed Martin và Boeing.
Richard Branson
Gần đây nhất, cuộc đụng độ giữa Branson và Bezos đã trở thành tâm điểm bàn tán. Virgin Galactic của Branson được thành lập với kế hoạch kinh doanh gần như giống như Blue Origin của với New Shepard: khách hàng trả tiền để được bay đến đường biên của trái đất. Tuy nhiên công nghệ của Virgin Galactic khác xa so với đối thủ khi sử dụng một phi cơ có cánh, mang động cơ tên lửa hơn phóng thẳng đứng. Truyền thông suy đoán phía Branson đã sắp xếp lại kế hoạch bay thử để đưa vị tỷ phú lên vũ trụ trước chuyến bay của Bezos ngày 20 tháng 7.
Mặc dù từ lâu Branson luôn chờ đợi chuyến bay vũ trụ nhưng Virgin Galactic đã gặp phải một số trở ngại lớn khiến kế hoạch của nó phải lùi lại sau nhiều năm. Một sự cố bi thảm trong chuyến bay thử nghiệm năm 2014 SpaceShipTwo của công ty đã khiến một phi công phụ thiệt mạng. Đồng thời một loạt các khó khăn kỹ thuật khác đều cần giải quyết trước khi công ty nhận định con tàu vũ trụ an toàn cho Branson bay vào không gian.
Trong trận chiến giữa Branson và Bezos, Virgin Galactic ghi điểm khi biến tất cả nhưng người có mặt trên chuyến bay trở thành phi hành gia. Bởi phương tiện này yêu cầu hai phi công và đã đưa một số nhân viên của Virgin Galactic làm thành viên phi hành đoàn trên các chuyến bay thử nghiệm. Tổng cộng công ty đã đưa tám người, bao gồm bốn phi công, Branson và một nhóm nhân viên Virgin Galactic bay với tư cách thành viên phi hành đoàn. Ngược lại các chuyến bay của Blue Origin cho đến nay đều không có thành viên tham gia. Ngoài ra, Virgin được đánh giá là công ty đầu ngành thích hợp phát triển tên lửa được thiết kế đặc biệt để vận chuyển các vệ tinh hoặc các máy bay nhỏ vào không gian. Tỷ phú Branson đã đặt ra cmột số tầm nhìn dài hạn táo bạo, bao gồm tạo ra một máy bay phản lực siêu thanh, siêu âm dưới quỹ đạo có thể đưa con người di chuyển giữa các thành phố với tốc độ chóng mặt.
TL