ADB dự báo Indonesia tăng trưởng 4,8% trong năm 2023 và 5,0% trong năm 2024

23:32 07/04/2023

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Indonesia dự kiến sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay và 5,0% vào năm 2024, giảm đáng kể so với mức 5,3% mà nước này đạt được hồi năm ngoái.

Theo báo cáo tháng 4/2023 về triển vọng phát triển châu Á (ADO) được công bố, Giám đốc ADB tại Indonesia Jiro Tominaga cho biết: “Xuất khẩu hàng hóa bùng nổ đã thúc đẩy tăng trưởng lên mức 5,3% vào năm 2022, bù đắp cho nhu cầu khiêm tốn trong nước”.

Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa như Indonesia đã được hưởng lợi từ giá cả tăng cao vào năm 2022 khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 và thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại, nhiên liệu hóa thạch và các hàng hóa khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Về phía Indonesia, ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ về chi tiêu tiêu dùng trong nước khi các hạn chế di chuyển dần được dỡ bỏ, qua đó thúc đẩy GDP tiếp tục tăng tốc.

Báo cáo của ADB cũng lưu ý rằng tài chính công của Indonesia đã được cải thiện nhờ kết quả hoạt động vững chắc của năm ngoái: Sự bùng nổ xuất khẩu đã tạo ra doanh thu bất ngờ cho phép Indonesia cắt giảm thâm hụt ngân sách dưới mức trần theo luật định là 3% GDP trước thời hạn một năm.

Trong khi tăng trưởng GDP của Indonesia được duy trì tốt vào năm ngoái, trái ngược hoàn toàn với sự suy giảm đáng kể ở nhiều nền kinh tế phát triển và một số nền kinh tế mới nổi, quốc gia Đông Nam Á này đã không bị ảnh hưởng khi lạm phát toàn cầu gia tăng.

Giá tiêu dùng đã tăng vọt vào tháng 9/2022 khi chính phủ tăng giá nhiên liệu được trợ giá nhằm giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước. Theo báo cáo, lạm phát đạt đỉnh gần 6% trong tháng 9, cao hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4% của ngân hàng trung ương, trước khi được điều chỉnh và được dự báo sẽ giảm xuống mức 3,5% vào tháng 12, đạt trung bình 4,2% trong cả năm 2023.

Ngoài ngắn hạn, báo cáo của ADB nêu rõ “mối quan ngại trong trung và dài hạn với việc người lao động bị mất thu nhập và trẻ em bị mất khả năng học tập trong đại dịch có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng”.

Ngọc Phi (TH)

Tags: