Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 26 tháng 11 năm 2024. Các hoạt động nhằm tăng cường giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Lễ kỷ niệm sẽ có chương trình nghệ thuật sân khấu hóa, tái hiện lịch sử đấu tranh cách mạng, cũng như quá trình xây dựng và phát triển Cà Mau trong thời kỳ hội nhập.
Toàn cảnh Chương trình truyền hình kỷ niệm 70 năm "Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng”. |
"Sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 là một cuộc chuyển quân có ý nghĩa chiến lược nhằm đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc lao động, học tập để đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời tranh thủ thời gian ở khu tập kết, cùng nhân dân khẩn trương xây dựng đời sống mới" - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại chia sẻ.
Nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự tại các điểm cầu. |
Ông Dương Thanh Toàn, người con của Mương Ðiều, huyện Ðầm Dơi, Cà Mau, là một trong những chiến sĩ tham gia sự kiện lịch sử này. Lúc 17 tuổi, ông Toàn gia nhập quân đội, nhận nhiệm vụ sửa chữa vũ khí. Khi 22 tuổi, ông được giao nhiệm vụ tham gia đoàn tập kết ra Bắc tại bến Chắc Băng, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau. Nay đã 92 tuổi, ông vẫn nhớ rõ những ngày tháng không thể nào quên ấy.
Ông Toàn kể lại: Lúc chia tay gia đình, cán bộ, chiến sĩ và học sinh đều vẫy tay với hai ngón tay giơ lên như một lời hẹn, rằng sau hai năm họ sẽ trở về quê hương, khi mà cuộc tổng tuyển cử và độc lập dân tộc sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, đất nước phải đợi đến 21 năm sau mới giành được độc lập hoàn toàn.
Thời gian đầu ở miền Bắc, ông cùng các đồng đội vô cùng ngỡ ngàng trước những khác biệt. Tuy nhiên, sự đón nhận và giúp đỡ của người dân Bắc Bộ, đặc biệt là nhân dân Thanh Hóa, đã khiến ông cảm thấy ấm lòng. Nhờ sự giúp đỡ của đồng đội và bà con miền Bắc, ông đã kết hôn, một sự kiện quan trọng trong cuộc đời ông. Ông chia sẻ, đó chính là động lực để ông cống hiến hết mình, làm việc gấp đôi để đền đáp phần nào công ơn của nhân dân.
Liên hoan văn nghệ trước ngày lên đường tập kết ra Bắc. |
Cách đây 70 năm, mẹ ông Nguyễn Thị Sánh đã gửi tặng Bác Hồ một cây vú sữa miền Nam, mong muốn Bác trồng trong vườn nhà. Sau này, ông Huỳnh Đảm – nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã tìm hiểu kỹ về cây vú sữa này và được biết, Bác Hồ rất chăm sóc cây vú sữa, giúp nó vẫn tươi tốt cho đến hôm nay.
Theo ông Huỳnh Đảm, Cà Mau không xây đền thờ Bác mà chỉ có một "phủ thờ", thể hiện tình cảm sâu sắc của người dân Cà Mau với Bác, rằng Bác sống mãi trong lòng người dân nơi đây. Tại phủ thờ Bác ở huyện Thới Bình, Cà Mau, hiện nay vẫn có một cây vú sữa được chiết từ cây vú sữa trong vườn của Bác.
Nhà thơ Nguyễn Bá nhấn mạnh, sự kiện tập kết ra Bắc không chỉ là sự chuyển quân, mà còn là một quá trình mà chính quyền cách mạng non trẻ đã hỗ trợ người dân miền Nam, cấp đất cho dân và khuyến khích sản xuất. Chính những hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng hậu cần cho cách mạng sau này.
Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức tại khu vực tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời vào tối ngày 16/11/2024. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, cùng với các Đài Truyền hình khác trong cả nước.