6 món ngon từ cốm không thể bỏ lỡ vào mùa thu |
Cốm là thức quà tao nhã của người Hà Nội, cốm được chế biến thành nhiều thức quà khác nhau, mỗi món mang hương vị riêng nhưng vẫn giữ vẹn tròn hương thảo của đất trời.
Sự hòa quyện giữa cốm dẻo mềm với dừa nạo béo ngậy, giòn giòn bên tách trà sen ấm nồng tạo nên mỹ vị thu Hà Nội rất riêng.
Cốm xào phải dùng cốm tươi rồi đảo cùng với nước đường, trộn đều cùng dừa nạo đã xào ngấm đường trước đó, có thể thêm nước cốt dừa để tạo độ béo ngậy. Những hạt cốm được đồ dẻo quyện cùng mùi thơm, độ ngọt của dừa non bào sợi mang đến hương vị béo ngậy, ngọt thanh làm cho món ăn này càng trở nên hấp dẫn.
Những hạt cốm non xanh tươi mơn mởn hòa quyện cùng hương thơm và sắc xanh đến từ lá dứa mang đến những hạt xôi mềm dẻo mà vẫn tơi. Không thể thiếu trong xôi cốm là hạt sen thơm bùi cùng dừa non được bào sợi nhỏ vừa ăn và được gói ủ trong lá sen. Tất cả những hương liệu đó được trộn đều lại với nhau tạo nên món xôi cốm - giữ trọn vị hương mộc của đất trời khiến cho mỗi thực khách khi nếm qua đều ấn tượng, thích thú vì hương thơm thanh tao của hương sữa non trong cốm.
Sẽ không thể thích hợp hơn khi cho xôi cốm vào thực đơn các bữa cơm cúng hay thắp hương rằm, mùng 1. Sau đó các gia đình sẽ được cùng nhau thưởng thức món ăn tinh túy này, nhâm nhi cùng tách trà bên những người mình yêu thương trong thời tiết se lạnh của mùa thu.
Chè là món ăn truyền thống của Việt Nam, thường có sự kết hợp của rất nhiều hương vị. Nếu như các món chè khác hấp dẫn với topping đầy đặn thì chè cốm lại mộc mạc nguyên sơ nhất với chỉ vài nguyên liệu đơn giản là cốm tươi, bột sắn dây, dừa nạo và đường phèn. Những hạt cốm non thơm nức mũi kết hợp cùng dừa nạo béo ngậy tạo nên hương vị cuốn hút. Màu xanh của cốm kết hợp cùng sắc trắng đến từ dừa giúp món ăn trở nên đẹp mắt, độc đáo hơn.
Thật tuyệt khi những ngày chuyển thu thời tiết bắt đầu se lạnh, có bát chè cốm ấm nóng để thưởng thức cùng những người thân yêu của mình.
Nhắc đến bánh cốm mọi người sẽ nhớ ngay đến các Lễ ăn hỏi, là một thứ quà không thể thiếu trong các đám hỏi tại một số địa phương miền Bắc. Hay vào đêm trăng rằm người người nhà nhà quây quần, sum họp gia đình cùng nhau nhâm nhi những chiếc bánh cốm thơm ngon, ngọt bùi cùng một tách trà.
Với lớp vỏ bên ngoài màu xanh, vừa mềm vừa dai lại mang hương thơm thanh mát tự nhiên của cốm. Bọc bên ngoài lớp nhân đậu xanh xay nhuyễn bùi bùi càng làm tăng thêm hương vị của chiếc bánh cốm.
Chiếc bánh cốm đậu xanh thơm hương nếp mới, mềm mịn và xanh mướt cũng thường được mọi người dùng làm quà tặng những người thân yêu cùng thưởng thức.
Với lớp vỏ bên ngoài se lại bọc ngoài lớp giò sống trộn cùng những hạt cốm tươi ngon trở thành miếng chả cốm tươi ngon. Chả cốm dùng cốm tươi trộn cùng giò sống, chút thịt vai băm, thêm ít mỡ phần thái hạt lựu nhỏ cho đỡ khô, nêm xíu nước mắm ngon, hành khô băm và hạt tiêu rồi vê tròn. Để giữ vị ngọt của món ăn thì cần hấp chín sơ, để nguội chút rồi mới chiên vàng ở lửa nhỏ. Lớp vỏ bên ngoài vàng giòn còn bên trong thì mềm và mọng nước tạo nên hương vị tuyệt vời của thức quà này.
Chả cốm theo thời gian cứ thế len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của mọi người, trong các bữa cơm gia đình hay trên các mẹt bún đậu vỉa hè, có thêm đĩa chả cốm thơm nức mũi, thơm ngon khiến người ăn khó cưỡng lại hương vị này.
Mùa cốm vào đúng độ chuối tiêu chín, sự kết hợp của hai hương vị này làm nên đặc sản của Hà Nội. Vào độ thu, chuối tiêu có độ ngọt đằm với vỏ lốm đốm màu trứng cuốc. Khi ăn hãy bẻ đôi quả chuối rồi chấm vào cốm và nhai chậm từ từ thưởng thức hết những hương vị tinh túy của món ăn này.
Chuối ngọt mềm hòa quyện cùng sự thơm dẻo đến từ cốm làm cho mỗi người khi thưởng thức đều sẽ cảm nhận được vị thơm thảo mộc mạc của thu Hà Nội. Cách thưởng thức này cũng tạo nên những nét đẹp thanh lịch, trang nhã của người dân Việt Nam.
Lưu ý: Thông tin trên mang tính tham khảo!