![]() |
Hội nghị tham vấn chính sách xây dựng Luật Thương mại điện tử. |
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị tham vấn chính sách xây dựng Luật Thương mại điện tử tại Hà Nội, nhằm lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống pháp lý.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thương mại điện tử đang trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Hiện quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt khoảng 25 tỷ USD, đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á và chiếm tới 2/3 quy mô của nền kinh tế số (ước đạt 36 tỷ USD). Đặc biệt, về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam hiện xếp thứ 5 toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống chính sách, quy định hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc quản lý lĩnh vực này. Việc thiếu các chế tài xử lý hành vi vi phạm, cũng như thiếu cơ chế cụ thể cho các chủ thể tham gia, đang tạo ra những lỗ hổng trong quản lý và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng gian lận thương mại, trốn thuế. "Vì vậy, Bộ Công Thương thấy rằng cần thiết phải kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm xây dựng, ban hành Luật Thương mại điện tử để đảm bảo quản lý hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Tại hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã trình bày chi tiết tiến độ và nội dung xây dựng dự thảo luật. Theo bà Oanh, để chuẩn bị cho việc đề xuất luật, Bộ Công Thương đã xây dựng 5 bộ tài liệu, bao gồm: tờ trình đề nghị xây dựng luật, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết thực thi pháp luật hiện hành, báo cáo rà soát chính sách, và báo cáo quy phạm hóa chính sách.
Các tài liệu đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Công Thương từ ngày 17/01/2025 để lấy ý kiến rộng rãi từ tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Bộ cũng đã xin ý kiến bằng văn bản từ hơn 90 cơ quan, đơn vị, trong đó có 20 bộ, ngành, 63 UBND các tỉnh, thành phố cùng nhiều hiệp hội và doanh nghiệp. "Các ý kiến góp ý đều thống nhất với sự cần thiết ban hành một đạo luật riêng về thương mại điện tử và cơ bản đồng thuận với 5 chính sách lớn được đề xuất", bà Oanh cho biết.
Cụ thể, 5 nhóm chính sách lớn được đề xuất gồm:
Thứ nhất, Bổ sung và thống nhất các khái niệm pháp lý: Nhằm đồng bộ hóa các định nghĩa như nền tảng số, nền tảng trung gian,… với các luật hiện hành, đảm bảo tính minh bạch và hài hòa trong hệ thống pháp luật.
Thứ hai, quy định rõ các hình thức hoạt động và chủ thể trong thương mại điện tử: Đảm bảo không bỏ sót các mô hình hoạt động và chủ thể tham gia; xác lập rõ quyền và nghĩa vụ, thẩm quyền quản lý của các cơ quan nhà nước, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Thứ ba, xác định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử: Tạo cơ chế để ngăn chặn hàng hóa, dịch vụ vi phạm; đảm bảo cơ quan nhà nước có thể yêu cầu ký kết hợp đồng dịch vụ với các nền tảng thương mại điện tử.
Thứ tư, quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử: Hướng đến đối xử công bằng giữa các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy, đồng thời tăng cường khả năng phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến hợp đồng điện tử.
Thứ năm, xây dựng chính sách phát triển thương mại điện tử xanh và bền vững: Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Chính phủ về phát triển thương mại điện tử, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy xã hội công bằng.
![]() |
Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt khoảng 25 tỷ USD, đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á |
Trước đấy, ngày 4/4/2025, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung xây dựng Luật Thương mại điện tử vào chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội. Đồng thời, Bộ đề xuất trình dự thảo luật để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp vào tháng 10/2025.
Việc xây dựng Luật Thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, theo kịp tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển theo hướng hiện đại, minh bạch, bền vững.