Rào cản pháp lý một trong những lý do khiến bức tranh đầu tư ngành y tế và dược phẩm Việt Nam vẫn chưa “sáng”

22:57 27/02/2022

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2021 vừa diễn ra, các chuyên gia cho rằng, rào cản pháp lý là một trong những lý do khiến bức tranh đầu tư ngành y tế và dược phẩm Việt Nam vẫn chưa “sáng” như kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng. Theo đó, cần cải thiện pháp lý nhiều hơn nữa nhằm khơi thông vốn đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trong thời gian tới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa./ Nguồn ảnh TNCK

Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đề xuất sửa đổi Nghị định số 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng Luật Dược để cho phép các công ty có vốn đầu tư nước ngoài được tiếp tục tham gia trữ kho và vận chuyển sản phẩm dược, cung cấp sự trợ giúp cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của bệnh viện và bệnh nhân trong đại dịch; sửa đổi Thông tư số 32/2018/TT-BYT nhằm đảm bảo các điều chỉnh phù hợp cho việc đăng ký và lưu hành các sản phẩm mới và hiện có.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: “Chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ của Quốc hội và Chính phủ trong việc chỉ đạo để có sự thống nhất chung giữa các cơ quan liên quan để triển khai ngay và có thể áp dụng cho tất cả các loại thuốc, không chỉ những loại thuốc điều trị Covid-19”, ông Alain Cany nói.

EuroCham và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu hoan nghênh Nghị quyết số 12/2021/ UBTVQH15, ngày 30/12/2021 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có quy định: “Đối với giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31/12/2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022 để bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh”.

EuroCham cũng bày tỏ kỳ vọng, Chính phủ sớm sửa đổi các quy định liên quan, bao gồm cả Luật Dược, nhằm loại bỏ hoàn toàn thủ tục gia hạn Giấy đăng ký lưu hành thuốc trong năm 2022.

rước diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19 với nhiều biến chủng mới, nhu cầu về vắc-xin vẫn đang rất lớn. Hiện tại, pháp luật Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đăng ký cấp giấy phép nhập khẩu vắc-xin.

Bên cạnh đó, chuyển giao công nghệ và đặt gia công thuốc cũng hứa hẹn là lĩnh vực mang lại lợi nhuận lớn. Việc đầu tư nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và tốn nhiều thời gian xây dựng, vận hành ban đầu. Vì vậy, với bên chuyển giao công nghệ hay bên đặt gia công, thuốc được sản xuất tại Việt Nam giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, vận chuyển…

Khánh Anh