12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị COVID-19 là những sản phẩm nào?

09:33 26/07/2021

Bộ Y tế vừa công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19. 12 loại thuốc cổ truyền này được dùng để phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 cho F0 nhẹ, không triệu chứng, các y, bác sĩ tuyến đầu và các đối tượng cách ly F1.

Văn bản công bố nêu rõ các thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dươc liệu trong danh sách được sử dụng điều trị cho người bệnh nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ, không triệu chứng; các y, bác sĩ tuyến đầu và các đối tượng cách ly F1. Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp không tăng giá các loại thuốc trong danh mục này.

12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đưa ra một số danh mục sản phẩm khác như sản phẩm sát khuẩn; thuốc xịt họng; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe, trong đó có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, thành phần, công dụng… của các sản phẩm này.

Danh sách 12 loại thuốc cổ truyền bao gồm:

1. Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an)

2. Viên nang Kovir (Công ty Cổ phần Sao Thái Dương)

3. Bạch địa căn (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an)

4. Siro Viêm họng (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an)

5. Siro Dưỡng âm bổ phế (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an)

6. Siro Ngân kiều (Viện Y học cổ truyền Quân đội, Bộ Quốc phòng)

7. Hạnh tô (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương)

8. Vệ khí khang (Viện Y học cổ truyền Quân đội, Bộ Quốc phòng)

9. Hoạt huyết Nhất Nhất (Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất)

10. Imboot

11. Xuyên tâm liên

12. Nasagast - KG

Liên quan đến một số sản phẩm thuốc y học cổ truyền và dược liệu được công bố theo hướng dẫn này, chiều 25-7, PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết 12 sản phẩm nêu trên không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch Covid-19.

"Các đơn vị sản xuất các sản phẩm trên đây đã và đang đồng hành, ủng hộ ngành y tế và một số tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM... để sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, cho các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch và các F1 đang cách ly"- PGS Thịnh giải thích.

Cũng theo ông Thịnh, căn cứ danh mục, tùy theo thực tiễn các bệnh viện, cơ sở y tế khi được tài trợ để phát cho bệnh nhân. Các sản phẩm cũng cần được đánh giá về hiệu quả khi sử dụng. Đối với nhóm thuốc phòng và hỗ trợ điều trị có thể đồng thời sử dụng 2-3 loại, kết hợp uống thuốc dạng sắc trên cơ sở các bài thuốc được đề cập trong hướng dẫn kèm Công văn 5944/BYT-YDCT. Điều đó có nghĩa là không phải bệnh nhân Covid-19 nào cũng giống nhau, mà từng bệnh nhân, tùy từng tình trạng, mức độ bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc phù hợp.

Ông Thịnh cho rằng người dân thường có tâm lý thích tự đi mua thuốc. Nhưng thuốc khi sử dụng phải theo hướng dẫn của bác sĩ vì thuốc bao giờ cũng có 2 mặt, lợi và hại. "Người dân cần hiểu đúng. Chỉ nên dùng thuốc theo đơn, tư vấn của bác sĩ, không nên đổ xô đi mua, tích trữ thuốc"- PGS Thịnh khuyến cáo.

Trả lời về sản phẩm thuốc hoạt huyết (phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay...) được đưa vào danh mục 12 thuốc nêu trên, trong khi Covid-19 là bệnh do SARS-CoV-2, lây qua đường hô hấp, PGS Thịnh, giải thích thêm: "Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị Covid-19 mà là sản phẩm trong danh sách đơn vị tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng".

Đặc biệt, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết, người dân không nên tự ý mua thuốc xuyên tâm liên để sử dụng, đặc biệt với mục đích phòng ngừa Covid-19. Chỉ sử dụng thuốc xuyên tâm liên theo chỉ dẫn của các thầy thuốc. Hiện Cục vẫn đang phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) làm đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sản phẩm xuyên tâm liên hỗ trợ điều trị trên bệnh nhân Covid-19.

Thuốc xuyên tâm liên cũng như bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có những chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ, liều dùng, tương tác thuốc… Nếu người dân cứ tự ý mua về, tự ý sử dụng, sử dụng không đúng cách dẫn tới không phòng chống được bệnh do Covid-19, mà còn có thể gây tổn hại tới sức khỏe cho người sử dụng. Bởi lẽ xuyên tâm liên có thể gây ra tác dụng phụ như chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, phát ban, nhức đầu, sổ mũi, mệt mỏi… Khi dùng liều cao có thể gây sưng các tuyến bạch huyết, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, tăng men gan.

Ngoài ra, với sản phẩm Kovir (hướng dẫn phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng cường miễn dịch, điều hòa miễn dịch các bệnh lý do virus), PGS Thịnh cũng cho biết tất cả các sản phẩm đều đang trong giai đoạn nghiên cứu. "Hiện Bộ Y tế không công bố sản phẩm có tác dụng dự phòng, điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2"- ông khẳng định.

Ngọc Lục