Dưới đây là 10 điều đáng xem nhất tại Flushing Meadows năm nay, được trang chủ ATP liệt kê trước thêm giải đấu.
1. Djokovic thống trị giải đấu?
Kể từ sau chức vô địch US Open 2016 của Stan Wawrinka, nhóm Big Three đã vô địch 13 Grand Slam liên tiếp. Nhìn xa hơn, bộ ba này đã vô địch 56/67 Grand Slam gần nhất. Trong đó, Djokovic đã vô địch 5/7 Grand Slams gần nhất – bao gồm lần thứ 8 đăng quang ở Australian Open hồi tháng Hai vừa rồi (một kỷ lục). Anh đang đứng trước cơ hội trở thành tay vợt thứ hai sau Roger Federer giành hơn 1 Grand Slam trong một mùa đến 6 lần.
2. Sự trở lại của Daniil Medvedev
Một năm về trước, Daniil Medvedev trở thành tay vợt trẻ nhất lọt vào chung kết US Open kể từ sau Djokovic năm 2010. Thời điểm ấy, chàng trai người Nga đã thắng 20/23 trận ở Washington, Canada, Cincinnati và US Open, để trở thành tay vợt hiếm hoi lọt vào chung kết cả 4 giải đấu ấy trong cùng 1 năm, sau các bậc tiền bối như Ivan Lendl (1982) và Andre Agassi (1995). Năm nay, Medvedev trở lại New York với thứ hạng hạt giống số 3 và thành tích trong năm là 10-5. Tay vợt 24 tuổi này mới đây đã lọt vào tứ kết Cincinnati Masters, nhưng để thua Bautista Agut.
3. Những tay vợt tiệm cận vinh quang
Novak Djokovic (1), Marin Cilic (31) và Andy Murray là ba tay vợt hiếm hoi tại US Open 2020 từng giành được Grand Slam. Nhưng hãy chú ý: 5 tay vợt hạt giống từ thứ 2 đến thứ 6 là Dominic Thiem, Daniil Medvedev, Stefanos Tsitsipas, Alexander Zverev và Matteo Berrettini đều đã từng lọt vào bán kết hoặc chung kết Grand Slam kể từ đầu mùa giải 2019 đến nay.
Djokovic sẽ chiến thắng Big Four mới của làng quần vợt?
4. Kỷ nguyên lịch sử
Marin Cilic vô địch Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp ở US Open 2014. 6 năm sau, anh vẫn là tay vợt gần nhất lần đầu tiên vô địch một giải đấu lớn, và vẫn là tay vợt trẻ nhất vô địch một Grand Slam. Nên nhớ, vào ngày 28/9 tới, Cilic sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ… 32. Trong kỷ nguyên mở rộng, chưa bao giờ có giai đoạn nào mà suốt 5 năm trôi qua (chính xác là gần 6 năm), không có một tay vợt nào lần đầu tiên vô địch Grand Slam hết.
5. Vô địch giải trẻ, và sau đó?
Andy Murray là 1 trong số 9 tay vợt ở US Open 2020 từng vô địch giải trẻ tại đây, nhưng anh là người duy nhất sau đó đã lên ngôi ở “giải lớn”. Tay vợt người Scotland đã vô địch giải trẻ năm 2004 (thắng Sergiy Stakhovsky ở chung kết), và 8 năm sau đã tiếp tục đăng quang ở nội dung đơn nam khi hạ gục Novak Djokovic ở trận chung kết, sau 5 set đấu.
Đây mới là giải đấu thứ 2 của Murray ở mùa giải 2020 này. Kể từ khi vô địch giải Antwerp Open hồi tháng 10/2019 đến nay, anh mới dự mỗi giải Cincinnati Masters. Tại giải đấu này, Murray đã đánh bại Zverev (7), và đó là chiến thắng đầu tiên của anh trước đối thủ Top 10 sau 3 năm rưỡi.
6. Dominic Thiem đã hay hơn trên sân cứng
Từ đầu mùa giải 2019 đến nay, Dominic Thiem đã gặt hái khá nhiều thành công trên mặt sân cứng. Tay vợt từng lọt vào tứ kết US Open 2018 đã giành danh hiệu Masters 1000 đầu tiên khi vô địch ở Indian Wells năm ngoái, và đó là danh hiệu đầu tiên trong số 3 danh hiệu trên mặt sân cứng của anh trong năm 2019. Thiem kết thúc năm 2019 bằng vị trí á quân ATP Finals (thua Tsitsipas ở chung kết). Hồi tháng Hai năm nay, anh đã về nhì ở Australian Open (thua Djokovic ở chung kết).
7. Cơ hội nào cho nhóm NextGen?
Nội dung đơn nam của US Open có 11 ngôi sao trẻ trong nhóm #NextGen ATP. Đáng chú ý nhất trong số này là nhà vô địch NextGen ATP Finals Jannik Sinner (19 tuổi) và tay vợt hai lần về nhì ở Milan Alex de Minaur (21 tuổi). Họ là 2 trong số 6 tay vợt nằm ở nhánh tứ kết cuối cùng của giải. 4 tay vợt còn lại đáng chú ý có hạt giống số 15 Felix Auger-Aliassime (20 tuổi), Miomir Kecmanovic (21), Corentin Moutet (21) và nhà vô địch ở Santiago Thiago Seyboth Wild (20). Những tài năng trẻ đáng chú ý ở các nhánh kia là Denis Shapovalov (21), Alejandro Davidovich Fokina (21), Emil Ruusuvuori (21), Brandon Nakashima (19), và Sebastian Korda (20).
8. Giấc mơ Mỹ
Quần vợt nam nước Mỹ đang trải qua cơn hạn hán lâu nhất trong lịch sử Grand Slam. US Open 2020 đánh dấu mốc 17 năm trắng tay, kể từ sau chức vô địch của Andy Roddick hồi năm 2003. Tại giải đấu năm nay, nước chủ nhà đóng góp tới 21 tay vợt nam – nhiều nhất kể từ US Open 1997 (22 người). Đáng chú ý nhất trong số này là John Isner (hạt giống số 16), Taylor Fritz (19) và Reilly Opelka.
9. Còn ai nhớ Feliciano Lopez?
Feliciano Lopez đã cưới vợ lần thứ hai, và trở thành giám đốc giải đấu của Madrid Masters. Song tay vợt sắp 39 tuổi này (anh sinh ngày 20/9/1981) vẫn chưa chịu giải nghệ. Với việc góp mặt ở US Open, Feliciano Lopez sẽ có lần thứ 73 tham dự Grand Slam. Lần đầu tiên của anh là tại Roland Garros 2002, với tư cách một “lucky loser” (thua vòng loại, nhưng vẫn dự nhờ tay vợt khác bị chấn thương). Thành tích tốt nhất của Feliciano Lopez tại US Open là lọt vào đến tứ kết năm 2015 (thua Djokovic, tay vợt sau đó vô địch).
10. Làn sóng trẻ
14 trong số 32 tay vợt hạt giống ở độ tuổi U25. Đây là con số hạt giống trẻ nhiều nhất kể từ Australian Open 2010 (14 người). 10 trong số Top 20 hạt giống đầu ở độ tuổi U25 – nhiều nhất tại một Grand Slam kể từ US Open 2009 (10). Stefanos Tsitsipas, tay vợt trẻ nhất trong Top 10 hạt giống (sinh năm 1998) đang đặt mục tiêu lọt vào trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp. Năm ngoái, anh đã lọt vào bán kết Grand Slam lần đầu tiên, ở Australian Open (thua Nadal), và kết thúc mùa giải bằng chức vô địch ATP Finals (đánh bại Dominic Thiem).
Phương Chi